30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ

RFI: Đức kỷ niệm trọng thể 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ
REUTERS/Fabrizio Bensch

Vào hôm nay 09/11/2019, nước Đức long trọng kỷ niệm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ cách nay đúng 30 năm, đánh dấu sự chấm dứt tình trang phân chia Đông-Tây trong thời Chiến Tranh Lạnh tại châu Âu. Theo lẽ thường, lễ kỷ niệm trong một năm tròn một sự kiện mang tính chất biểu tượng như vụ Bức Tường Berlin phải được tổ chức linh đình, ít ra là trong khối Tây Âu. Thế nhưng các lãnh đạo phương Tây có dấu hiệu tương đối thờ ơ với sự kiện này.

Theo hãng tin Pháp AFP, dấu hiệu rõ nhất cho thấy thái độ thiếu nhiệt tình của phương Tây với lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ là việc không một lãnh đạo nước lớn nào của phương Tây đến Berlin dự lễ kỷ niệm vào hôm nay.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quả là có ghé thăm Đức trong hai ngày, nhưng đã rời đi từ tối hôm qua, 08/11. Còn tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì tối mai, Chủ Nhật mới đến thủ đô nước Đức để ăn tối với cả thủ tướng Đức Angela Merkel lẫn tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

Dĩ nhiên là bản thân nước Đức đã tổ chức lễ kỷ niệm một cách hết sức trọng thể.

Thanh Hà, vừa từ Berlin trở về sau ba ngày theo dõi tình hình cho biết:

“Theo chương trình chính thức, sáng nay thủ tướng Đức Angela Merkel dự một buổi lễ tại nhà thờ nằm trên con lộ Bernauer Strasse. Đây từng là ranh giới giữa hai miền Đông và Tây Berlin. Năm 1961 khi bức tường được dựng lên ngay chính nơi này, bất chấp mọi nguy hiểm, nhiều người đã nhảy từ trên lầu cao để chạy thoát sang thế giới tự do.

Trong buổi lễ này có sự hiện diện của các tổng thống Slovakia, Ba Lan, Cộng Hòa Séc và Hungary. Đây là 4 nước năm xưa đã mở đường cho 16 triệu dân Cộng Hòa Dân Chủ Đức đòi Tự Do và Dân Chủ.

Tối nay đến lượt tổng thống Cộng Hòa Liên Bang Đức Frank-Walter Steinmeier và đô trưởng Berlin đọc bài diễn văn ngay trước cổng thành Brandenburger Tor.

Tại đây từ 5 giờ chiều hàng loạt các sinh hoạt văn hóa văn nghệ sẽ diễn ra. Một bộ phim về công cuộc đấu tranh vì tự do tại Đức sẽ được công chiếu, kế tới là nhiều nghệ sĩ tên tuổi của hai miền Đông và Tây Berlin sẽ có những màn biểu diễn.

Nhưng mọi chú ý đều dồn về đêm hòa nhạc tối nay dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Daniel Barenboim. Ba mươi năm trước, chỉ ba ngày sau sự kiện bức tường sụp đổ, tại nhà hát Philharmonie ở Berlin, nằm ở phía Tây thành phố, ông đã cùng dàn giao hưởng biểu diễn miễn phí đón khán giả từ Đông Berlin sang thăm.

Giống như 30 năm trước, nhạc trưởng Barenboim lần này cũng sẽ chơi lại những bản Sonate hay Concerto của Beethoven.”

Nhìn từ nước Mỹ

Tại Hoa Kỳ, theo một cuộc điều tra gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew Research Center, vụ Bức Tưởng Berlin sụp đổ đã được công nhận là sự kiện không liên quan trực tiếp đến nước Mỹ có ảnh hưởng mạnh nhất trên người Mỹ.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet giải thích:

Theo bản nghiên cứu, 60% người Mỹ, chỉ 8 tuổi, lúc bức tường Berlin sụp đổ, vẫn còn nhớ là họ đã ở đâu lúc nghe tin. Thời đó, sự kiện đã được 84% người Mỹ xem là cơ bản.

Câu nói của tổng thống Mỹ Kennedy vào năm 1963: “Tôi là người Berlin”, rồi lời kêu gọi năm 1987 của tổng thống Mỹ Reagan: “Ông Gorbachev, hãy phá bức tường đó đi!” đã thần thánh hóa bức tường Berlin.

Trước phản ứng hồ hởi của dân chúng Mỹ khi thấy Bức Tường Berlin sụp đổ, tổng thống Mỹ thời đó, Georges Bush (Cha) đã có phản ứng thận trọng: Ông không tỏ vẻ đắc thắng, nhưng hoàn toàn ủng hộ tiến trình thống nhất nước Đức.

Khi bức tường sụp đổ, nước Mỹ lạc quan, bắt đầu mơ tưởng đến một tương lai tốt đẹp, quyền tự do cá nhân được mở rộng, một Châu Âu hòa thuận trên nền kinh tế thị trường.

Thế nhưng nước Mỹ đã không tưởng tượng được là 30 năm sau khi loại bỏ được mối đe dọa Đỏ, kẻ thù đã thúc đẩy người dân đoàn kết lại với nhau, nước Mỹ lại xâu xé nhau về một tổng thống mà nỗi ám ảnh lại chính là xây nên một bức tường.