“Ba Bông Hồng” của Việt Nam Quốc Dân Đảng (Tam Nguyễn)

      NA Ba Bong Hong VNQDD - D3

(qua giọng đọc của Nam Anh)

Đó là 3 chị em : Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Tỉnh, quê tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang – đều là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học (1901 – 1930), trong chi bộ Bắc Giang.

Năm 1929, Cô Giang gặp Nguyễn Thái Học lúc ông đang hoạt động chống Pháp và thành lập Việt Nam Quốc dân đảng, rồi hai người yêu nhau và Cô Giang trở thành người thân tín nhất của Nguyễn Thái Học. Cô Giang cùng Cô Bắc và Cô Tỉnh từng tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, liên lạc giữa các cơ sở đảng ở các tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Vĩnh Yên…

Sau khi cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng thất bại, ngày 17-6-1930 Nguyễn Thái Học và 12 yếu nhân của đảng lên máy chém ở Yên Bái, vào một buổi sáng tinh mơ. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học lên máy chém cuối cùng, ông mỉm cười, ngâm thơ tiếng Pháp:

Mourir pour sa partie, C’est le sort le plus beau, le plus digne…d’envie…”

( Chết vì Tổ quốc, Cái chết vinh quang, Lòng ta sung sướng, Trí ta nhẹ nhàng…)

Cô Giang đã đến tận pháp trường để chứng kiến cái chết anh dũng của Nguyễn Thái Học – vị hôn phu, và các đồng chí khác. Sau khi chào vĩnh biệt, cô Giang về nhà trọ viết hai bức thư: Một thư gửi song thân tạ lỗi vì tội bất hiếu, tự tử chết trước cha mẹ.

Bức thư thứ hai – gửi hương hồn Nguyễn Thái Học – viết:

Anh đã là người yêu nước, không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước. Anh giữ lấy linh hồn cao cả, để về dưới suối vàng chiêu binh rèn súng đánh đuổi quân thù.

Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày vẻ vang. Các bạn đồng chí còn sống lại sau anh phải phấn đấu thay anh để đánh đổ cường quyền mà cứu đồng bào đau khổ.”

Và bài thơ lục bát tuyệt mệnh:

Thân không giúp ích cho đời,
Thù không trả được cho người tình chung.
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết bao ?
Bây giờ hết kiếp thơ đào,
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây.
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Số đồng chí đã có ngày ghi tên.
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình.
Quốc kỳ phấp phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng lỡ bước sa cơ,
Chết thừa , chết thảm, có thừa xót xa.
Thế ru ? Đời thế ru mà ?
Đời mà ai biết, người mà ai hay…

Cùng ngày Cô Giang quay về làng Đồng Vệ, tỉnh Vĩnh Yên (giáp làng Thổ Tang, quê của vị hôn phu Nguyễn Thái Học) dùng súng lục tự tử như lời thơ tuyệt mệnh.

Tam Nguyễn