Phải chờ bao lâu nữa mới có “Dân hỏi – Thủ tướng trả lời”?

Yên Khắc Chính biên soạn

Sự kiện người đứng đầu cơ quan hành chính của thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, lần đầu xuất hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến khiến nhiều người ngạc nhiên, tò mò và có phần thích thú.

Quyền Linh, một trong hai người dẫn chương trình, đã có không dưới ba lần nhấn mạnh đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, và khen ngợi “chính quyền thành phố rất dũng cảm” khi đối thoại trực tiếp với người dân.

Đây đích thực là việc chưa có tiền lệ đối với những ai đang sống trong thể chế hiện tại của Việt Nam. Nó vừa là tín hiệu tích cực, nhưng cũng đồng thời là minh chứng đáng buồn cho khẩu hiệu “dân làm chủ” được chính quyền tuyên truyền bấy lâu nay.

++++

Đối thoại với dân: Yêu cầu tối thiểu của một lãnh đạo

++++

Ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, việc các quan chức lãnh đạo trực tiếp đối thoại trả lời chất vấn của người dân không phải là chuyện gì ghê gớm. Nó là một sinh hoạt chính trị hết sức bình thường.

Trực tiếp đối thoại với dân thậm chí là yêu cầu cơ bản từ trước khi những người này giành được ghế trong bộ máy chính quyền.

Để có được vị trí lãnh đạo, họ phải được người dân bầu. Để có được phiếu bầu của dân, họ phải tiến hành vận động tranh cử. Trong quá trình vận động tranh cử, họ tiếp xúc càng nhiều cử tri, trả lời càng nhiều câu hỏi, thuyết phục càng nhiều người thì khả năng thắng cử càng cao.

Những sinh hoạt chính trị này diễn ra từ rất lâu trước khi có sự xuất hiện của công nghệ hiện đại.

Tại Mỹ, vào giữa thế kỷ 19, các chính trị gia tranh cử tổng thống đã tiếp xúc đối thoại với cử tri nhằm tranh thủ sự ủng hộ. [2] Khi truyền hình được phổ cập và lên ngôi từ giữa thế kỷ 20, các cuộc phỏng vấn với những câu hỏi bất ngờ, hóc búa và không có trong kịch bản dành cho các quan chức trở thành một món ăn chính trị phổ biến của người Mỹ. [3] Truyền thống này được nâng tầm với sự xuất hiện của Internet. Người dân có thể theo dõi bất kỳ lúc nào các cuộc thảo luận và đối thoại của lãnh đạo trên mạng mà không cần canh giờ xem tivi.

Các chính trị gia nhanh nhạy còn chủ động dùng các công cụ trên mạng để tăng cường trao đổi trực tiếp với người dân. Donald Trump khi tranh cử tổng thống vào năm 2016 đã tổ chức buổi hỏi đáp trong chuyên mục “Ask Me Anything” (Hỏi tôi bất cứ thứ gì) của Reddit, một trong những diễn đàn trên mạng có nhiều người tham gia nhất tại Mỹ. [4] Trước đó vào năm 2012, Barack Obama cũng đã tổ chức một chương trình hỏi đáp tương tự trên diễn đàn này.

Mạng xã hội ra đời tạo ra một cuộc cách mạng khác, kết nối trực tiếp 24/7 các chính trị gia với cử tri của mình. Gần như đã trở thành một điều luật bất thành văn, các quan chức chính quyền bắt buộc phải có ít nhất một tài khoản mạng xã hội để trao đổi với người dân.

Ở các nước châu Á, những lãnh đạo được đánh giá cao thường tích cực kết nối với người dân qua mạng xã hội. Tài khoản của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hay của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là những kênh tương tác phổ biến giữa người dân các nước này với lãnh đạo chính quyền. [5][6] Ngay cả các lãnh đạo được xem là độc tài như Thủ tướng Campuchia Hun Sen hay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng sở hữu tài khoản Facebook chính thức. [7][8]

 

+++++

Việt Nam: Khi nào mới có đối thoại đúng nghĩa?

++++

Nhiều người hẳn đã có ấn tượng tốt sau khi xem ông Phan Văn Mãi trả lời trực tuyến các câu hỏi trong hơn một tiếng đồng hồ vào tối ngày 6/9.

Không có những câu lý luận vòng vo tối nghĩa, không có màn đổ lỗi dịch bệnh cho người dân, và chịu thừa nhận khuyết điểm của chính quyền, dù khá nhẹ nhàng, trong vấn đề an sinh – chừng đó là đủ để nhiều người cảm thấy như được thở trong một bầu không khí tươi mới. Ít nhất thì ông này có đầu óc bình thường – đó là cảm nhận của không ít người xem.

Đích thực là so với mặt bằng chung các lãnh đạo đất nước vào thời điểm hiện tại, màn thể hiện của ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh là không tệ.

Và đó là điều đáng buồn cho bức tranh chính trị của người Việt Nam.

Nếu đã quen theo dõi các cuộc đối thoại, phỏng vấn chính trị ở nước ngoài, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác thất vọng, bực bội và chán nản khi xem chương trình tối ngày 6/9.

Các câu hỏi được chuẩn bị sẵn, hai người dẫn chương trình không dám chất vấn các câu trả lời chung chung của khách mời, và những vấn đề bức xúc nhất lại không được nhắc đến.

Ai chịu trách nhiệm cho ít nhất là hàng chục ngàn trường hợp người dân Sài Gòn bị bỏ rơi, không nhận được bất kỳ gói hỗ trợ nào từ chính quyền suốt ba tháng qua?

Ai chịu trách nhiệm cho chính sách “đi chợ hộ” thất bại, để hàng triệu người bị nhốt trong nhà không có cách chi mua được thực phẩm trong hơn hai tuần qua?

Cơ sở nào để chính quyền thực hiện những chính sách chống dịch cực đoan như nhốt tất cả F0 lẫn F1 vào trại cách ly, gây lãng phí lớn khi đòi xét nghiệm toàn bộ cư dân, trong khi bỏ ngoài tai những góp ý của giới chuyên gia?

Một cách công bằng, đó là những câu hỏi vượt quá tầm của người đứng đầu thành phố. Nó thuộc về trách nhiệm của chính quyền trung ương.

Vậy nên người dân, cho dù thất vọng hay hồ hởi với các câu trả lời của chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, cũng cần phải đặt câu hỏi: “Vì sao ông thủ tướng chính phủ vẫn chưa chịu xuất hiện trả lời chất vấn trực tiếp của tôi?”.

Chỉ khi nào đối thoại trực tiếp, người dân mới có thể chất vấn ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, rằng vì sao ông hăm hở chỉ đạo “đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi ‘bom hàng’ đi chợ hộ tại TP. Hồ Chí Minh”, [9] một việc mà chính các cán bộ địa phương trực tiếp phụ trách cũng nhận định là khó xảy ra. [10] Trong khi đó, ông lại ngậm tăm không nói gì tới trách nhiệm của bản thân khi buộc hàng triệu người ở trong nhà chờ “đi chợ hộ” trong tuyệt vọng suốt hai tuần qua. Nếu tin lời chính quyền của ông, ngồi yên không chủ động tìm mua thực phẩm tích trữ từ trước, trong hai tuần qua người Sài Gòn lấy gì để ăn? [11]

Chỉ có trao đổi trực tiếp, người dân mới có thể nghe ông thủ tướng giải trình ai sẽ chịu trách nhiệm cho những chính sách chống dịch hỗn loạn, mỗi địa phương một phách. Và chỉ có qua đối thoại trực tiếp, người dân mới có thể truy vấn nếu ông chỉ biết đổ vấy trách nhiệm cho quan chức địa phương như cách làm cố hữu xưa nay. [12]

Cũng chỉ có gặp mặt trực tiếp, người dân may ra mới giúp ông thủ tướng hiểu tình cảnh của hàng triệu người Sài Gòn suốt ba tháng qua, đặc biệt là những người sống trong các khu vực bị chốt chặn phong tỏa.

Chắc chắn sẽ có người mời ông thủ tướng về sống luôn ở “vùng đỏ”, để xem lãnh đạo sẽ xoay sở kiểu gì khi nồi cơm điện duy nhất bị hỏng, khi bếp điện bị cháy, khi bồn cầu bị tắc, khi tủ lạnh bị hư, khi vòi nước bị bể, khi trần nhà dột nước, khi người thân có bệnh mãn tính hết thuốc mà không thể ra ngoài mua, hay khi chính ông bị đau ruột thừa mà không qua được chốt chặn để tới bệnh viện.

Chỉ khi sống trong hoàn cảnh như vậy trong ít nhất một tháng, ông thủ tướng may ra mới bớt sản xuất những chỉ thị và chính sách trên trời.

Để lôi được những người như ông xuống dưới mặt đất, người dân trước tiên cần đòi lại thứ quyền cơ bản nhất mà thể chế của Việt Nam đã tước bỏ của họ bấy lâu nay: quyền được đối thoại bình đẳng, công khai và trực diện với quan chức chính quyền.