‘‘Robot – Bồ Tát’’ giảng kinh: Cuộc cách mạng trong Phật giáo?

Trọng Thành Phát Thứ Bảy, ngày 14 tháng 9 năm 2019

Người máy Mindar, trong vai Quán Thế Âm Bồ Tát, đọc kinh Phật, chùa Kodaiji, Kyoto, Nhật Bản, ngày 14/08/2019

Chùa cổ Nhật Bản « mời » người máy giảng kinh Phật. Viện tư vấn Trung Quốc tố cáo dự án Con đường tơ lụa mới đe dọa Khí hậu toàn cầu. 8 thành viên phong trào chống Biến đổi Khí hậu ra tòa tại Pháp, vì tổ chức gỡ trộm ảnh tổng thống. Triển lãm đầu tiên tại Paris về cuộc đời Đức Phật qua các tác phẩm nghệ thuật. Bang California buộc tập đoàn Uber công nhận quy chế nhân viên với các tài xế tự do. Trên đây là một số chủ đề chính Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Nước Nhật tân cổ giao duyên tiếp tục gây ngạc nhiên. Năm 2019, các nhà sư của một ngôi chùa cổ hoan hỉ đón chào người máy đến giảng đạo Phật. Đây có thể là lần đầu tiên. Người máy Mindar giảng kinh Phật, trị giá gần một triệu đô la, là kết quả của một dự án chung, giữa ngôi chùa Kodaiji 400 năm tuổi, với nhà chế tạo robot nổi tiếng Hiroshi Ishiguro, Đại học Osaka.

« Mindar » – cao 1 mét 95, nặng gần 60 kg, không giới tính – làm bằng thép không rỉ. Ngoài một phần đầu, mặt, cổ và đôi bàn tay phủ nhựa silicon trông giống như da người, « Mindar » – dây nhợ chằng chịt quanh người – không hề che giấu mình là máy. Quán Thế Âm Bồ Tát « Mindar », với giọng nói mang thanh sắc kim loại, không mệt mỏi xướng lên hết đoạn kinh này đến đoạn kinh khác, phê phán những thói kiêu ngạo, sân hận, tham lam và ái kỉ của nhân sinh.

Trường Đại học Osaka đã thăm dò phản ứng của các Phật tử, sau khi nghe người máy Mindar giảng kinh. Một số người cho biết có « cảm giác ấm áp gần gũi » khi tiếp xúc với Quán Thế Âm Bồ Tát máy, ngược lại nhiều người thấy khó chịu, « khi nghe những diễn đạt rất không tự nhiên của robot ».

Hãng thông tấn Pháp AFP đã đến thăm ngôi chùa này hồi giữa tháng 8/2019. Trả lời AFP, vị sư trụ trì Tensho Goto hài hước : « Tôi hy vọng là người máy này sẽ mang lại một phong cách vui tươi, lấp đầy được cái hố sâu ngăn cách giữa những nhà tu hành về già, hết mốt như tôi » với giới trẻ.

Nhà sư Tensho Goto giải thích rõ hơn : « Mục tiêu của đạo Phật là giúp giảm bớt khổ đau. Mục tiêu vẫn luôn luôn là như vậy kể từ hơn 2.000 năm nay, cho dù xã hội hiện đại giờ đây có mang lại những hình thức căng thẳng mới…. Theo Phật không phải là tin vào một đấng thánh thần, mà là đi theo con đường của Phật, dấn thân theo con đường của Phật, cho dù đại diện cho Phật pháp có là một cỗ máy, một cục sắt hay một cái cây ».

Đối với thiền sư Tensho Goto và các vị sư trong ngôi chùa cổ này, thì chế tạo ra người máy giảng đạo là điều hoàn toàn phù hợp với Phật giáo, bởi robot có khả năng học hỏi rất nhanh, với đà tiến bộ phi thường của công nghệ hiện đại.

Ông nói : « Sự khác biệt lớn giữa một nhà sư và một người máy, đó là con người như chúng tôi thì đều sẽ chết, trong lúc người máy thì bất tử. Người máy sẽ có cơ hội được gặp gỡ nhiều người, thu thập được vô số thông tin, và có khả năng tiến hóa đến vô cùng ». Theo thiền sư Tensho Goto, dân Nhật vốn không có định kiến với người máy, bởi tuổi thơ của họ chìm trong không khí tranh hoạt hình, nơi máy với người là bạn, trong lúc nhà sư Nhật nhấn mạnh là sự hiện diện của Quán Thế Âm Bồ Tát máy trong một ngôi chùa là điều phản cảm với người phương Tây nói chung.

Đời Đức Phật và nghệ thuật Phật giáo châu Á: Triển lãm đầu tiên tại Pháp

Năm nay, bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet, Paris, tổ chức một cuộc triển lãm lớn đầu tiên về các giai đoạn trong cuộc đời đức Phật, thông qua các tác phẩm nghệ thuật châu Á, thuộc nhiều thời kỳ và nhiều khu vực. Tổng cộng 159 tác phẩm được trưng bày. Những người muốn khám phá đạo Phật – tôn giáo được coi là có đông người theo hàng thứ tư thế giới, sau đạo Thiên Chúa, Hồi giáo và Ấn Độ giáo – có điều kiện đến với bốn cái mốc trong cuộc đời của bậc Giác ngộ : ra đời (Đản sinh), thành đạo, hoằng pháp và nhập Niết bàn. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 4/11/2019.

Phóng sự của nhà báo RFI Sarah-Lou Bakouche :

« Trong một gian phòng chìm dưới một thứ ánh sáng dịu nhẹ, một cậu bé đang ngắm nhìn một bức tượng Phật mạ vàng, cao hai thước. Rồi cậu nhỏ tập trung nhìn vào hai bàn tay, gấp các ngón tay lại, thử bắt chước bức tượng. Bàn tay thõng xuống, lòng bàn tay hướng ra bên ngoài, ngón tay hướng về phía đất. Đây là dấu hiệu của sự dâng hiến (hay ‘‘ấn thí nguyện /varada mudra’’).

Tượng đồng bồ tát Cứu Độ Mẫu, Sri Lanka, thế kỉ 8 sau công nguyên (British Museum). Bàn tay phải bắt ấn thí nguyện.@Wikipedia / licence Creative Commons

Thế rồi, vịkhách nhỏ bé tiếp tục cuộc viếng thăm thế giới Phật giáo mà bảo tàng Guimet giới thiệu với du khách, qua triển lãm rất phong phú này, với tên gọi ‘‘Phật : Huyền thoại vàng son / Bouddha : Légende dorée’’.

Hình ảnh Phật hiện diện qua đủ loại chất liệu, từ lụa, sành cho đến vàng hay đồng. Đây là cơ hội để du khách khám phá về đạo Phật qua thế giới các hình tượng nghệ thuật về đức Phật.

Từ tư thế ngồi cho đến tư thế đứng hay nằm, trong hình hài khổ hạnh hay có da có thịt, mỉm cười hay đang thiếp ngủ. Khách tham quan có thể phát hiện ra rất nhiều diện mạo khác nhau của bậc Giác ngộ.

Người xem có thể theo vết cuộc đời của vị Phật lịch sử, các câu chuyện về tiền kiếp của Phật, rồi những phép lạ cho đến khi Phật thành đạo. Đây là một cơ hội tốt cho phép công chúng khám phá nghệ thuật châu Á, với nhiều biến chuyển, bởi triển lãm này cho thấy các hình tượng Phật xuyên qua nhiều thời đại, nhiều quốc gia. Từ một bức phù điêu Pakistan thế kỉ thứ nhất, cho đến chất liệu gốm Nhật Bản năm 2016, hay một loạt các hình tượng tinh tế bằng gốm sứ Trung Quốc cuối thế kỉ 18, về ba đệ tử của Phật.

Cuộc triển lãm cô đúc này cho phép người xem, nếu không đến được với Niết bàn, thì cũng có cơ hội trong chốc lát hòa mình vào thế giới Cực lạc ».