Toàn Cầu Hóa và COVID-19

Will the Coronavirus End Globalization as We Know It?

The Pandemic Is Exposing Market Vulnerabilities No One Knew Existed

By Henry Farrell and Abraham Newman. Foreignaffairs. March 16, 2020

7/4/2020

Bản dịch Mặc Lý

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

(Bùi Giáng)

Hoa Kỳ là một quốc gia non trẻ, ra đời chưa được 250 năm. Đất đai bao la, nhiều tài nguyên, những người lập quốc dám từ bỏ những vùng đất họ quen thuộc ở lục địa cũ nhưng nhiều áp bức về chính trị, tôn giáo để bắt đầu cuộc sống tại một vùng đất mới mẻ. Họ có đầu óc mạo hiểm, và cả đầu óc sáng tạo để tồn tại trong vùng đất bao la này.

Toàn cầu hóa kinh tế như một dây chuyền sản xuất và tiêu thụ

Từ đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã là một cường quốc kỹ nghệ trên thế giới. Một trong những đóng góp nổi bật trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi là “dây chuyền sản xuất” của Henry Ford năm 1913 (tuy ông có thể lấy ý từ những người khác như William Klann hay từ các công ty khác như Olds Motor Vehicle Company…). Nói một cách vắn tắt, “dây chuyền sản xuất” là mang việc lại cho công nhân hay người thợ lắp ráp. Họ chỉ ở một chỗ, khi công việc theo dây chuyền tới thì làm một động tác nhất định, hoàn thành một phần việc trong quá trình sản xuất. Công việc được chuyên môn hóa, công nhân làm một phần việc đặc trưng nên tiết kiệm thời gian, vật liệu và năng suất tăng rất cao.

Gần năm mươi năm nay, khái niệm toàn cầu hóa càng ngày càng trở nên quen thuộc, tuy những ý niệm và thực hành (một phần) đã có rất lâu, cả ngàn năm trước. Ta có thể nói đến toàn cầu hóa về chính trị, về văn hóa nhưng trong phạm vi bài này tôi chú trọng về toàn cầu hóa kinh tế, tuy toàn cầu hóa chính trị, văn hóa và kinh tế có những liên hệ chồng chéo với nhau. Toàn cầu hóa kinh tế là khái niệm bao gồm các nền kinh tế địa phương hay kinh tế quốc gia thành một khối kinh tế lớn, bao trùm tất cả, trong đó tư bản, nguyên vật liệu lưu thông tự do như một dây chuyền sản xuất (và tiêu thụ) vĩ đại. Mỗi nhóm nhân lực trong một hay nhiều quốc gia làm một phần việc trong quá trình. Tư bản/nguyên vật liệu lưu thông tự do không có những nút chặn, mang lại lợi nhuận rất lớn. Khái niệm toàn cầu hóa về kinh tế phù hợp với chủ nghĩa tư bản, nhất là với chủ trương ít can thiệp vào kinh tế của đảng Cộng Hòa nước Mỹ.

Khi Nixon bắt tay với Mao Trạch Đông năm 1972, có lẽ ông ta thấy tiềm lực to lớn của Trung Quốc trong một dây chuyền sản xuất, tiêu thụ mà nước Mỹ khởi xướng và đứng đầu. Mao Trạch Đông cũng nắm cơ hội vàng này, nhưng sự tham gia của Trung Quốc vào toàn cầu hóa có lẽ chậm hơn, kể từ thời Carter, Reagan và nhất là Clinton, với Đặng Tiểu Bình

Lợi ích từ toàn cầu hóa và những hệ lụy

Trong điều kiện bình thường dây chuyền sản xuất toàn cầu như một nhà máy khổng lồ chạy với đầy đủ năng suất được tối ưu hóa để mang lại lợi nhuận. Mỗi nhóm lao động địa phương phụ trách một phần việc đặc biệt, việc sẽ chạy tới họ đúng thời điểm, không dùng kho chứa trung gian. Tim Cook, CEO của Apple Co có nói một câu trở thành kinh điến của toàn cầu hóa: “ Kho chứa là sai lầm cơ bản”, xem [3].

Vì được tối ưu hóa, mọi quốc gia nào tham gia chuỗi toàn cầu hóa đều được hưởng lợi, càng tham gia sớm, càng ở vị trí đứng đầu thì càng hưởng lợi nhiều. Dĩ nhiên tùy từng quốc gia và tùy từng thể chế chính trị, lợi tức này chia cho người dân trong mỗi quốc gia khác nhau.

– Những quốc gia lãnh đạo dây chuyền như Mỹ và Tây Âu: họ hưởng lợi nhiều nhất, giống như lợi tức cho một công ty chạy phần lớn vào những người lãnh đạo cao cấp. Các nước này cũng hưởng lợi từ bằng sáng chế, chuyển giao kỹ thuật, vị trí lãnh đạo. Một phần dân chúng các quốc gia này tập trung vào các hãng kỹ thuật cao (hàng không, điện toán..) hay kỹ nghệ dịch vụ. Vì không phải chú trọng vào khai thác nguyên liệu thô, đất nước họ ít bị ô nhiệm. Riêng đối với Mỹ và Tây Âu là những nước đứng đầu dây chuyền, họ có những ưu thế gần như tuyệt đối trong các cơ cấu cận hành dây chuyền như WTO, World Bank, IMF… Tuy nhiên không phải tất cả mọi người dân hưởng lợi giống nhau. Nhiều việc làm với lương thấp sẽ chạy ra khỏi nước, khiến một số người không thích ứng với toàn cầu hóa bị bỏ lại phía sau.

– Những quốc gia lớn, tham gia giữa chừng: như Trung Quốc. Trung quốc có lợi thế lớn với dân số 1.4 Bil. Do đó các hãng xưởng cần nhân công giá rẻ và dân chúng cần cù, trong vài chục năm nay đa số các cơ xưởng sản xuất nằm ở Trung Quốc. Hiện nay, nhân công không còn rẻ nữa nên một số hãng xưởng đã di chuyển ra nước khác.

– Những quốc gia trung bình/nhỏ hạng trung, tham gia giữa chừng: Việt Nam chậm hơn Trung Quốc, bước đầu thì với sản phẩm nông nghiệp, ngư và lâm nghiệp, gần đây cũng tham gia vào dây chuyền sản xuất kỹ nghệ.

– Những quốc gia tham gia một phần hay tham gia muộn: thí dụ Ấn Độ, dân số đông, tham gia sau nhưng gần đây một số kỹ nghệ như tiếp liệu y tế, đã di chuyển sang Ấn Độ. 

Nói chung hầu hết mọi nước trong dây chuyền sản xuất toàn cầu hóa đều hưởng lợi, ít hay nhiều. Thực phẩm và các sản phẩm tiêu thụ dư thừa hơn. Mức lạm phát ở các nước thấp, mực sống một người dân bình thường khá hơn trước và con người có nhiều điều kiện hưởng thụ. Năm mươi năm trước, một người ở Bắc Mỹ ít khi ra khỏi thành phố mình sống. Nay thì cả núi Everest cũng có hàng đoàn người chờ được leo tới đỉnh. Con người cũng phung phí hơn xưa, đồ gia dụng trong nhà đầy đủ và thay đổi thường xuyên hơn, thay trước khi hư vì giá rẻ. Mẹ Thiên Nhiên không những nuôi ta mà phục vụ cho cả những hoang phí của ta. 

Những “lợi ích” và tiện nghi này là do cả dây chuyền sản xuất mang lại. Tôi chắc là nhiều người, nhất là người Việt Nam vốn có kinh nghiệm ngàn đời với Trung Quốc, nghĩ rằng Tây Phương đã ngu dại đánh thức con rồng Trung Quốc và nó mang lại tai họa cho thế giới. Tôi hiểu, nhưng công bình mà nói những tiện nghi “lợi ích” ta hưởng từ dây chuyền sản xuất toàn cầu hóa (lạm phát thấp, vật dụng thừa mứa, giá rẻ…) cũng là ở khối nhân lực khổng lồ đó.

Đại dịch làm gián đoạn dây chuyền sản xuất và tiêu thụ

COVID-19 chắc sẽ khiến người ta đánh giá lại toàn cầu hóa. Khi trận đại dịch làm những mắt xích của dây chuyền sản xuất và tiêu thụ trên thế giới đứt tung vì thiếu van an toàn, xem [3], mọi nước đều bị ảnh hưởng. Trung Quốc là tâm điểm lan truyền nạn dịch, nhưng là cơ xưởng sản xuất tiếp liệu y tế, cùng với các biện pháp cách ly sớm thi hành, họ đã hầu như khống chế cơn dịch. Hiện nay Mỹ và nhiều nước Âu châu đang bị ảnh hưởng cơn dịch nặng nề. 

Sự lúng túng của nước Mỹ trong việc đối phó nạn dịch này làm suy giảm nặng nề vị trí lãnh đạo dây chuyền sản xuất của Mỹ. Một thí dụ tiêu biểu là vài ngày trước, Trump ra lệnh cho hãng 3M tại Mỹ, chuyên sản xuất mặt nạ N95 cho nhân viên y tế, không được gửi số hàng mà đồng minh Canada đã mua, để giữ lại tại Mỹ. Trước đây hãng này xuất cảng nhiều mặt nạ N95 hơn số dùng tại Mỹ. Trong thời đại dây chuyền sản xuất toàn cầu hóa, điều này cũng giống như lúc cháy cả một khu phố. Một anh chủ nhà giữ lại nước chữa cháy cho mình, mặc kệ hàng xóm, không nghĩ rằng khi nhà hàng xóm bốc cháy sẽ lan tới mình. Hãng 3M có cảnh báo với hành pháp Trump là bên cạnh yếu tố nhân đạo, nếu Canada (hay các nước khác) dùng những biện pháp trả đũa, giữ lại các thành phần sản xuất N95 thì cuối cùng 3M sẽ sản xuất ít đi thay vì nhiều hơn số mặt nạ N95. 

Trong một bài viết cách đây 2 tuần trên Foreigh Affairs, xem [2], Kurt M. Campbell và Rush Doshi viết: “Vị trí của nước Mỹ như lãnh đạo toàn cầu trong 70 năm qua, được xây dựng không phải chỉ trên sự giàu có và sức mạnh của nước Mỹ mà trên sự chính danh từ việc điều hành quốc gia (minh bạch), sự cung cấp hàng hóa toàn cầu (như nước đứng đầu dây chuyền sản xuất), và khả năng cùng thiện chí động viên và điều hành phản ứng của cả thế giới với các cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng từ cơn đại dịch do con vi trùng mới này đã thử nghiệm sự lãnh đạo của nước Mỹ trên cả ba yếu tố này. Cho đến nay, Mỹ không đạt được cả ba thử nghiệm.”

Tương lai của toàn cầu hóa

Khi cơn dịch đã qua, mà người ta dự đoán ít ra là phải trên một năm nữa, khi thuốc chủng trở thành phổ thông, chuyện gì sẽ xẩy ra? Bức tranh khá ảm đạm, nhất là trong thời gian gần. Tuy nhiên nhìn xa hơn, ta thử xem những kịch bản nào có thể xẩy ra với toàn cầu hóa, và vị trí của nước Mỹ ra sao trong đó.

a) Toàn cầu hóa dừng lại hoàn toàn: mọi nền kinh tế trở thành địa phương, tự sản tự tiêu

b) Toàn cầu hóa tiếp tục với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc bị hất ra ngoài

c) Nước Mỹ dừng toàn cầu hóa, các nước khác (hay nhiều nước khác) tiếp tục 

d) Toàn cầu hóa tiếp tục với những thay đổi của mỗi nước để đối phó với những cơn đại dịch

a), b), c) có thể xẩy ra không? tôi nghĩ khó lòng. Ngay cả nếu Trump đắc cử năm 2020, c) cũng khó xẩy ra và nếu xẩy ra thì là một bước lùi nữa cho Mỹ. Người dân Mỹ nên chuẩn bị mua một cái búa làm ở Mỹ với giá $10, các nước khác tiếp tục dây chuyền với giá $1. Nhất là Trung Quốc chắc chắn không bỏ qua cơ hội vàng này để tìm vị trí chi phối dây chuyền toàn cầu hóa.

Do đó, nhiều khả năng là d) sẽ xẩy ra. Chuỗi dây chuyền sản xuất và tiêu thụ toàn cầu hóa sẽ tiếp tục, với những van an toàn thêm vào. Dĩ nhiên nó sẽ kém hiệu quả hơn, không “tối ưu” như trước. Mặt khác, con người có thể sẽ quý trọng môi trường hơn, nhẹ tay với Mẹ Thiên Nhiên hơn. 

Riêng về phần nước Mỹ, nhà cầm quyền Mỹ phải làm gì, người dân Mỹ phải làm gì? Làm với đầu óc tỉnh táo, không bè phái, chia rẽ, nhân bản hơn? Đó là một thách đố cho nước Mỹ.

Kết luận

Là một người gốc Việt, tôi luôn nhìn anh láng giềng phương Bắc của Việt Nam với cặp mắt hết sức cảnh giác, nhất là khi nhà cầm quyền của họ có những sách lược hung hãn, tham vọng. Cảnh giác với họ để đề phòng và tìm phương cách đối kháng. Còn nhắm mắt, tự ru ngủ bảo họ sẽ tự suy tàn hay tự tan rã nay mai sau cơn đại dịch thì là ta đang vùi đầu dưới cát. Chửi họ cũng không là cách giải quyết vấn đề. Cách giải quyết rốt ráo có lẽ là tìm cách cho Việt Nam mạnh lên. Làm thế nào thì mỗi người tự chọn cho mình.

Thế giới sau đại dịch sẽ là một thế giới khác hẳn thế giới ta biết mấy chục năm nay. Tự nhiên tôi nhớ lại hai câu thơ của Bùi quân mà cảm khái. Thời đại chúng ta là một nét nhỏ của lịch sử thế giới, tất cả biến động từ COVID-19 biết đâu chỉ là một trò đùa của Thượng Đế, nếu ta tin ở Thượng Đế.

Mặc Lý

(04/2020)

Tham khảo:

[1] https://www.washingtonpost.com/opinions/global-opinions/this-is-just-the-first-in-a-series-of-cascading-crises/2020/04/02/45e8cc52-7510-11ea-87da-77a8136c1a6d_story.html

[2] https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2020-03-18/coronavirus-could-reshape-global-order

[3] https://www.diendantheky.net/2020/03/henry-farrel-abraham-newman-lieu.html

Bản dịch của bài https://www.foreignaffairs.com/articles/2020-03-16/will-coronavirus-end-globalization-we-know-it

Nguồn : https://www.diendantheky.net/2020/04/