Tổng thống Trump ký lệnh cấm TikTok, WeChat tại Hoa Kỳ

Tổng thống Trump ký lệnh chính thức cấm cá nhân tổ chức Mỹ giao dịch với chủ sở hữu TikTok, WeChat tại Hoa Kỳ

Nhà báo Du Miên

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp nghiêm cấm các công dân Mỹ thực hiện giao dịch kinh doanh với chủ sở hữu của ứng dụng TikTok là ByteDance. Ngoài ra chủ sở hữu của ứng dụng nổi tiếng khác, WeChat là Tencent cũng bị cấm. Lệnh này sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 45 ngày tới, theo Bloomberg.
Đây là quyết định tiếp theo sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ “cấm cửa” và thoái vốn của ứng dụng chia sẻ video phổ biến này, do các lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia. Theo lệnh hành pháp, nếu bất kỳ công dân hay công ty nào của Mỹ có thực hiện giao dịch với TikTok hoặc ByteDance sau khi lệnh này có hiệu lực, thì thực thể đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 
Trong điều lệnh ban hành ngày 6/8, TT Trump khẳng định: “Ứng dụng di động này rất có thể được dùng trong các chiến dịch bóp méo thông tin vì lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông nhận định, các dữ liệu mà TikTok thu thập được “đe dọa cho phép ĐCSTQ tiếp cận thông tin cá nhân và độc quyền của người Mỹ – có khả năng cho phép Trung Quốc theo dõi vị trí của các nhân viên và nhà thầu của Liên bang, xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền và thực hiện hoạt động gián điệp tại các doanh nghiệp”. 
TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh. Thông báo của Trump được đưa ra ngay sau khi xuất hiện các thông tin rằng Microsoft đang thảo luận về việc mua TikTok. Tin tức này đến sau đồn đoán rằng Trump đang xem xét ký sắc lệnh hành pháp để yêu cầu ByteDance bán cổ phần của TikTok tại Mỹ để giảm bớt những lo ngại rằng ứng dụng này đang gửi dữ liệu nhạy cảm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
TikTok là nền tảng video phát triển nhanh nhất trên thế giới và cực kỳ phổ biến với giới trẻ Hoa Kỳ.
Các chuyên gia mạng từng cảnh báo rằng ứng dụng này hoạt động như nhu liệu gián điệp cho chế độ Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty đã bác bỏ những cáo buộc này nói rằng họ không bị ảnh hưởng bởi chủ sở hữu Bắc Kinh và khoe rằng các thành viên hội đồng quản trị và giám đốc điều hành mới là người Mỹ. Ngoài ra, họ cũng nói rằng các máy chủ của họ được đặt tại Hoa Kỳ và Singapore sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng với chế độ Trung Quốc nếu được yêu cầu.
Hôm 20/7, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu về một biện pháp cấm TikTok khỏi tất cả các thiết bị chính phủ.
Trước đó, hôm 31/7, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ cấm ứng dụng truyền thông xã hội TikTok hoạt động tại Hoa Kỳ. Ông cũng cho biết ông không muốn công ty Mỹ mua lại TikTok khi trước đó có thông tin rằng Microsoft đang trong quá trình đàm phán mua lại ứng dụng này. Tuy vậy, sau khi Tổng giám đốc Microsoft có cuộc nói chuyện với Tổng thống Trump, cũng như được các cố vấn thuyết phục, Tổng thống Trump đã đồng ý cho phép Microsoft tiếp tục đàm phán mua lại Tiktok nhưng thương vụ phải hoàn tất trước 15/9.
WeChat cũng bị cấm tại Mỹ.
Một lệnh cấm tương tự cũng được ban hành đối với ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc là WeChat và chủ sở hữu của nó – Tencent. Dù lệnh cấm TikTok không gây ngạc nhiên cho nhiều người, việc WeChat cũng bị cấm ở Hoa Kỳ là một thông tin “chấn động”, nhất là đối với những ai có bất kỳ mối liên hệ nào với Trung Quốc, theo BBC News.
Khi ban hành lệnh cấm ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc, Tổng thống Trump cho biết, WeChat “tự động nắm bắt lượng lớn thông tin từ người dùng. Việc thu thập dữ liệu này đe dọa cho phép ĐCSTQ truy cập vào thông tin cá nhân và độc quyền của người dân Mỹ”. Ông cũng khẳng định ứng dụng này còn thu thập thông tin cá nhân của những công dân Trung Quốc từng đến thăm Hoa Kỳ.
Nhiều công dân ở Mỹ cùng người thân của họ tại Trung Quốc đều có chung một câu hỏi: “Làm thế nào để chúng tôi có thể giữ liên lạc nếu như WeChat bị cấm ở Hoa Kỳ?”. Hàng tỷ người dùng trong và ngoài Trung Quốc đang phụ thuộc vào ứng dụng này để liên hệ với gia đình, bạn bè hay đối tác kinh doanh tại Trung Quốc, nhất là khi các ứng dụng phổ biến toàn cầu như Facebook, Twitter, Google, Youtube, v.v. đã bị cấm ở Trung Quốc từ lâu.
Liệu lệnh hành pháp này của Tổng thống Trump có mở ra một cơ hội tái tiếp cận vào thị trường tỷ dân cho các ứng dụng này, đồng thời trở thành cánh cửa kết nối người dân Trung Quốc với hệ thống thông tin mở toàn cầu? Lời giải cho vấn đề này sẽ còn cần các chuyên gia và cả chính phủ dành thời gian nghiên cứu.
 
Nhà báo Du Miên