Trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa (1974)

20-01-2022 Trả lại sự thật cho lịch sử

Nhân dịp Lễ tưởng niệm tử sĩ trong trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa vừa qua cũng như các năm trước, nhiều bài viết cũng như trên youtube tường thuật một cách sai lạc và bóp méo sự thật.

Chúng ta không bình luận về sự tường thuật của các nhân chứng trên 4 chiến hạm tham dự cuộc hải chiến vì tôi nghĩ những quân nhân đó đều nói sự thật tuy nhiên mỗi người chỉ nói về trận đánh trong cương vị của mình trên chiến hạm cho nên không cần biết rõ hệ thống chỉ huy, ngoài vị hạm trưởng của mình, là như thế nào.

Thí dụ sau cuộc hải chiến những cấp chỉ huy liên hệ mới nghe nói kế hoạch Trần Hưng Đạo 47 mà chính vị Tư Lịnh Hải Quân (TL HQ) VNCH và Tư Lịnh Vùng 1 Duyên Hải  (TL HQ V1DH) kiêm Tư lịnh Lực Lượng Đặc Nhiệm 231 (TL LLĐN 231)  không hề hay biết.

Chính đại tá Hà văn Ngạc là người mà Tư Lịnh HQ Vùng 1 Duyên Hải  kiêm TL LLĐN 231 chỉ định làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn Đặc Nhiệm 231.7 khi viết hồi ký còn không nhớ giới chức nào ra lịnh khai hỏa (Đề đốc Trần văn Chơn đã nói rõ trong trong cuộc phỏng vấn đính kèm.)  Ngoài ra, có người đề cập đến Bộ tư lịnh Tiền Phương mà chính vị tư lịnh Tiền Phương đang ở Saigon v.v….mà vị Tư Lịnh LL ĐN 231 không hề hay biết.

Ngoài ra có vài vị trong Ban Tham mưu của Bộ Tư Lịnh HQ ở Saigon còn tuyên bố là mình ra lịnh trực tiếp cho chiến hạm tại Hoàng Sa khai hỏa. Những điều nói trên, người dân sự không biết rõ về tổ chức trong quân đội xem xong hoặc nghe xong rồi quên đi; còn những người có chút hiểu biết muốn biết sự thật lịch sử như thế nào sẽ rất thắc mắc vì sao lúc tác chiến mà một hải đoàn chiến hạm ngoài khơi cách bờ hơn 130 hải lý mà nhận được lịnh của nhiều giới chức thì còn đánh đấm gì được nữa?

Những sĩ quan có học về tham mưu và các sĩ quan cao cấp của đa số quân đội trên thế giới đều biết là trong quân đội có hai hệ thống chỉ huy riêng biệt. Một hệ thống gọi là hành quân (hay điều động) và một hệ thống gọi là tham mưu.

Do đó trong hệ thống hành quân (hay điều động) thì chỉ có những vị Tổng Tư Lịnh và Tư Lịnh có sự liên hệ với nhau mà thôi. Còn các sĩ quan trong ban tham mưu của các vị tư lịnh chỉ có trách nhiệm theo dõi, báo cáo và trình đề nghị cho vị Tư Lịnh chỉ huy mà thôi.

Trong quyển sách “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa” Phụ Bản A từ trang 269 đến trang 272, đại tướng Cao văn Viên có nói rõ về hệ thống chỉ huy trong quân đội VNCH. Nhiều người hiểu lầm là trong quân đội cứ  Đại Tướng là chỉ huy trung tướng nhưng sự thật không phải vậy. Ngay chính đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng chỉ là cố vấn cho vị Tổng Tư Lịnh Quân Đội (tổng thống) mà thôi, ông không có quyền hạn về chỉ huy hành quân (điều động) đối với các tư lịnh quân đoàn và quân khu.

Ngay trong quân đội Hoa kỳ vị Chủ tịch của Bộ tổng tham mưu Liên Quân (Chairman of the Joint Chief of Staff) và Ban Tham mưu Liên Quân chỉ đóng vai trò cố vấn cho vị Tổng Tư Lịnh Quân đội Hoa kỳ (Tổng Thống) mà thôi. Các vị tham mưu trưởng của các quân chủng không có quyền điều động trực tiếp các lực lượng tác chiến tại chiến trường.

Trở lại vấn đề Hoàng Sa, khi vị Tổng Tư Lịnh Quân đội (Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) ra lịnh trực tiếp cho vị Tư lịnh Lực Lượng Đặc Nhiệm 231 (PĐĐ HVKThoại) thi hành thì vị Tư lịnh Hải Quân không thể ra lịnh trái ngược được.

Đề đốc Trần văn Chơn, TL HQ và Đề đốc Lâm Ngươn Tánh tư lịnh phó HQ nói rõ trong tài liệu (đính kèm) sự thật những gì đã xảy ra. Đề đốc Tánh mặc dù đến BTLHQ V1DH sau khi trận hải chiến Hoàng Sa chấm dứt có nói rõ là ông có trách nhiệm  “theo dõi” trận chiến Hoàng Sa chớ không chỉ huy.

Tôi gửi email này và tài liệu đính kèm cho những sĩ quan trẻ và muốn hiểu rõ hệ thống chỉ huy trong Hải Quân và quân đội để các sĩ quan này biết rõ sự thật như thế nào để giải thích cho những người dân sự biết rõ, để họ khỏi thắc mắc về hệ thống chỉ huy trong Quân Đội và trong Hải Quân.

Tôi hy vọng đây là là dịp cuối cùng để nói lên hệ thống chỉ huy trong biến cố lịch sử ngày 19 tháng 1 năm 1974, trận hải chiến Hoàng Sa.

Hồ văn kỳ-Thoại

Cựu Phó Đề đốc HQ VNCH