VATV | Chỉ là chiêu bài và quyền lợi, qua kinh nghiệm Afghanistan và Việt Nam

Ngày 15-8-20211, quân Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan như chỗ không người, không tốn môt viên đạn, và đã chễm chệ ngồi chụp hình ngay giữa dinh tổng thống. Tổng Thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước, không nói với dân và quân một lời, chạy đi lánh nạn tại Tajikistan, một nước nhỏ sát biên giới, trước đây thuộc Liên Bang Xô Viết.

Mỹ đã dính vào mớ bòng bong Afghanistan qua việc trả thù quân khủng bố Taliban và Al-Qaeda đâm phi cơ vào tòa nhà Tháp Đôi ở New York ngày 9-11-2000, khiến 3,000 người thiệt mạng. Tổng Thống George W. Bush (con) ra lệnh đưa quân vào Afghanistan để tiêu diệt các lực lượng khủng bố, thành lập một chính quyền và quân đội Afghanistan mới. Việc bình định tiến chậm. Quân khủng bố Taliban, có lực lượng Al-Qaeda hiệp lực, tổ chức lại hàng ngũ rất nhanh, từ những căn cứ đặt tại Pakistan. Vì vậy Mỹ bị sa lầy ở Afghanistan 20 năm, suốt 4 thời tổng thống Mỹ. Ý định thoát khỏi vũng lầy, rút quân Mỹ về nước, xuất phát từ Tổng Thống Obama. Tổng Thống Trump cũng đồng tình, còn gửi phái đoàn đi điều đình với Taliban tại thành phố Doha về việc Mỹ rút quân và đã ký thỏa hiệp với Taliban vào tháng 2/2020. Đến Tổng Thống Biden thì ông dứt khoát rút quân vào tháng 5/2021. Afghanistan bị bỏ rơi cho Taliban tiếp thu nhẹ nhàng. Nhiều người kết án Mỹ “đem con bỏ chợ”, giống như đã đối xử với đồng minh Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Thật ra có điều giống, điều không giống. Điều giống nhất là đưa chiêu bài dụ dỗ đồng minh với mục tiêu cao cả chống độc tài, thiết lập tự do, dân chủ, hứa sẽ tận tình giúp họ chiến đấu đến chiến thắng. Khi không thắng nổi, hoặc khi thấy tình hình quốc tế đã thay đổi, dư luận dân Mỹ không còn ủng hộ việc tham gia cuộc chiến ấy nữa, một chính sách khác cần được áp dụng, thì lãnh đạo Mỹ lập tức rút quân ra, chấm dứt mọi yểm trợ, không kể đến sự hy sinh của 2,448 chiến binh Mỹ, 1,144 binh sĩ đồng minh NATO đã nằm xuống trên chiến trường Afghanistan, tiêu tốn trên một ngàn tỷ Đô la, quan trọng nhất là không đếm xỉa tới những tai họa mà đồng minh bị bỏ rơi phải hứng chịu vì đã tin cậy vào Mỹ.

Ngoài việc rút ra cho thoát “của nợ” để lo việc khác, các chính phủ Mỹ còn thêm “thói quen” lật đổ hay dồn vào chân tường những lãnh tụ đồng minh đã từng đươc Mỹ ủng hộ và hứa hẹn đủ điều. Ta có thể kể Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam, Tổng Thống Lý Thừa Vãn của Nam Hàn bị quân đội đảo chánh với sự đồng tình của Mỹ, Tổng Thống Magsaysay của Phi Luật Tân chết một cách mờ ám, Đài Loan của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch bị cắt bang giao với Mỹ và mất luôn ghế thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bây giờ là TổngThống Ashraf Ghani của Afghanistan… Một lãnh tụ châu Á đã nói một câu nổi tiếng: “Làm kẻ thù của Mỹ có lợi hơn làm đồng minh của Mỹ”. Nixon và Ford thuộc đảng Cộng Hòa hay Biden của đảng Dân Chủ cũng hành động giống nhau thôi. Ông nào cũng “America first”, dù không nói huỵch toẹt như ông Trump.

Bảo vệ quyền lơi Mỹ là điều chính đáng, không ai có thể trách cứ. Bảo vệ không phải chỉ bằng súng đạn, mà còn bằng thương mại, kinh tế, ngoại giao, chính trị, vừa nhằm bảo vệ an ninh cho Mỹ từ vòng đai xa, vừa nhắm phát triển kinh tế Mỹ, vừa lo củng cố vai trò cường quốc số một của Mỹ trên toàn thế giới. Vì vậy Mỹ cần có mặt ở khắp nơi, tạo ảnh hưởng ở mọi chốn, can thiệp vào mọi biến cố, từ hai cuộc thế chiến đến các cuộc chiến tranh Cao Ly, Việt Nam, Trung Đông và nhiều nơi khác. Mỹ không xâm lăng chiếm đất nhưng nhưng chiếm ảnh hưởng, đóng vai cứu khốn phò nguy. Hầu hết các quốc gia khi bị nguy kịch đều trông vào Mỹ, kêu cầu Mỹ đến giúp. Ngay cả Việt Nam cộng sản, cựu thù không đội trời chung với Mỹ, cũng phải ve vãn Mỹ khi bị Trung Cộng ăn hiếp.

Giúp đỡ những nước yếu đang bị hoạn nạn hay bị ăn hiếp là hành động hào hiệp. Nhưng khi muốn vào thì nhẩy vào cho bằng được, muốn ra thì rút ra cái một, để mặc đồng minh tự đối phó với những hậu qủa thì đúng là đem con bỏ chợ, “quất ngựa truy phong”.

Nhiều người nói Mỹ rút vì chính quyền của nước liên hệ bất lực, quân đội không chịu chiến đấu, dân chúng chỉ trông vào viện trợ Mỹ. Điều đó đúng một phần, nhưng tình trạng này phần lớn do Mỹ tạo ra. Thứ nhất, Mỹ muốn tạo một quốc gia mới theo kiểu Mỹ, không quan tâm tới sự khác biệt văn hóa, truyền thống và ý muốn của người dân. Thứ hai, vì chi tiền và phát võ khí, Mỹ tự coi mình như ông chủ có quyền nhúng tay kiểm soát mọi chuyện từ nhỏ tới lớn. Điều này thấy rõ trong cả hai trường hợp Afghanistan và Việt Nam.

Trường hợp Afghanistan, rất nhiều dân nước này, đặc biệt phụ nữ, âm thầm chống đối Taliban vì tổ chức này trong thời gian cai trị đất nước (1996-2001) sau khi quân đội Nga rút đi, đã hiện nguyên hình là đám khủng bố, độc tài khát máu, dựa vào Hồi giáo với luật Sharia đẻ giết người vô tội, hành hạ phụ nữ, không cho đi học, không cho ra ngoài làm việc, bắt phải mặc burka, một thứ áo trùm từ đầu tới chân, chỉ hở hai con mắt. Nhưng sự bất bình thụ động của giới phụ nữ không thể tạo nên một phong trào chống đối, vì những bó buộc độc ác này có căn nguyên tôn giáo và truyền thống Hồi giáo mà đa số nam giới, kể cả một số nữ giới cao tuổi, vẫn kín đáo có cảm tình. Vì vậy quân đội Afghanistan có trên 300,000 ngàn người không hăng say chiến đấu với quân Taliban vì không có lý do thôi thúc. Nếu không có quân đội và viện trợ của Mỹ và các đồng minh NATO thì chính quyền Afghanistan đã sụp đổ từ lâu. Thêm vào đó, Mỹ tiếp tục nuôi dưỡng các lãnh chúa (warlords) chia nhau chiếm cứ lãnh thổ Afghanistan. Mỗi lãnh chúa có quân đội riêng. Nhờ đó quân Taliban khó gây rối. Các lãnh chúa này là những sứ quân. Họ chẳng coi quân đội và chính quyền trung ương ra gì. Chính quyền với vỏ ngoài dân chủ bị họ thao túng. Họ là lính đánh thuê, có tiền thì đánh, không có tiền thì thôi. Nhà báo Thomas Ruttig cho nữ ký giả Frauke Niemeyer biết các toán CIA dùng máy bay chở từng thùng Đô la cho các lãnh chúa (ntv.de. 11-8-21). Khi Mỹ không đóng hụi tiếp thì các lãnh chúa nghỉ chơi, quân Taliban cứ tự do tung hoành khắp Afghanistan. Khi thấy Mỹ rút đi và các lãnh chúa bất động, chính quyền và quân đội Afghanistan biết đã bị bỏ rơi, tự mình không thể cứu mình, nên lặng lẽ đầu hàng. Mỹ quyết định hết, không coi chính phủ Afghanistan ra gì.

Trường hợp Việt Nam có nhiều điểm khác. Trước hết, cuộc xung đột không phải là cuộc trả thù của Mỹ, cũng không phải là tranh chấp quyền hành với niềm tin tôn giáo như ở Afghanistan. Tranh chấp ở Việt Nam là đấu tranh ý thức hệ: cộng sản và chống cộng sản. Chiêu bài của một phe là chống xâm lăng, trước là Pháp, sau là Mỹ, che đậy tham vọng chiếm cả nước rồi đặt dưới chế độ cộng sản độc tài chuyên chính. Phe kia cũng tranh đấu cho độc lập nhưng cương quyết chống cộng sản, đấu tranh tự vệ, xây dựng tự do dân chủ. Phe cộng sản dựa vào Liên Xô, Trung Cộng và khối cộng sản quốc tế. Phe chống cộng dựa vào Pháp, sau là Mỹ và các đồng minh của thế giới tự do. Quân Mỹ chỉ chính thức có mặt ở miền Nam Việt Nam 8 năm, từ 1965 đến 1973 sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, nhưng Mỹ đã nhúng tay vào chuyện Việt Nam từ 1946 đến 1975, tức 29 năm. Khởi đầu là giúp Pháp đánh Việt Minh Cộng sản. sau là giúp người Việt Quốc Gia chống cộng. Cuộc chiến tại Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh ý thức hệ, tuy cục bộ nhưng có tầm vóc hoàn cầu.

Mỹ đã lãnh trách nhiệm giúp Việt Nam nhiều nhất, nhưng lối viện trợ của Mỹ rất phức tạp. Khi nói Mỹ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa ở cao điểm mỗi năm 1 tỷ Đô la quân sự và 1 tỷ Đô la kinh tế thì đừng nghĩ Mỹ sẽ ký ngân phiếu hay trao tiền mặt cho Việt Nam muốn xài thế nào tùy ý. Mỗi một viên đạn bắn đi, mỗi một lít xăng đổ vào quân xa, từ bộ quân phục đến chiến xa, tầu thủy, máy bay đều tính thành Đô la và trừ vào ngân khoản viện trợ. Về hàng hóa dân sự như thực phẩm, thuốc men, xe cộ, máy móc…, khi Việt Nam có nhu cầu, phải đưa danh sách cho Mỹ. Khi được Mỹ đồng ý, Mỹ sẽ đặt hàng và Mỹ sẽ thanh toán bằng tiền viện trợ. Phần lớn hàng hóa được đặt mua từ Nhật Bản (xe Honda, máy móc gia dụng), Nam Hàn (quân dụng), Phi Luật Tân (điện thoại). Vừa giúp Việt Nam vừa làm ơn cho các đàn em khác. Hàng hóa nhập cảng được bán tại Việt Nam sẽ được trả bằng tiền Việt Nam và chính phủ Việt Nam dùng tiền này cùng với khả năng tài chánh riêng của mình để trả lương cho quân lính, công chức, điều hành các cơ cấu quốc gia.