VATV | Tản mạn chuyện ‘ăn’ ngày Tết do GS. Nguyễn Mạnh Bích biên soạn

Năm 1993, JC Pomonti có viết một bài báo tựa là “Quand les Saigonnais mangent le Têt – Khi người Sài Gòn ăn Tết”. Khi dùng cụm từ “manger le Têt”, dù đã có dạy học ở Việt Nam (trường JJR và Đại Học Văn Khoa) và lấy vợ Việt, hình như ông cựu giáo sư đại học, phóng viên của tờ báo Le Monde này muốn tỏ sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam bằng cách viết một bài nói về lối đón mừng năm mới của dân ta. Trong bài báo, ông ấy nêu lên những nét đặc thù của sự “ăn Tết” của ta như sau:

– Người Việt Nam ăn Tết có nghĩa là cỗ bàn linh đình, ai nấy đều mời nhau ăn uống (les Vietnamiens mangent le Têt, ce qui veut dire banquets et tables familiales ouvertes… tout le monde invite tout le monde)

– Người ta chăm lo việc ăn uống cho cả ông bà tổ tiên, thần thánh (on nourrit également ancêtres, dieux et génies)

– Tết mà không xài tiền (đánh bạc, mua sắm) thì không phải Tết (Le Têt n’est pas le Têt quand on ne gaspille pas son argent)

– Ngày đầu năm, trẻ con đứng vòng tay nói lời chúc tụng (như con vẹt) cha mẹ và các bậc trưởng thượng để được thưởng tiền bằng những đồng bạc mới (lì xì) (Le Jour de l’An, debout et les bras croisés, les enfants récitent leurs souhaits aux parents et ainés, en échange de quoi ils reçoivent des billets de banque neufs…)

Cái “ăn Tết” của ông ấy nói đến là lối ăn Tết của những người Miền Nam Việt Nam ở Sài Gòn tân thời trong những thập niên gần đây… Cách “ăn Tết” với mấy đặc điểm trên kia rất khác xa với tục ăn Tết cổ truyền của ta. Cho nên Pomonti không hiểu được người Việt Nam chính thống, thuần túy ăn Tết trong tinh thần Đón Mừng Năm Mới, tống cựu nghinh tân, như thế nào và cái sự “ăn Tết” của người Việt Nam có những cái đặc biệt gì.

Phải hiểu rõ những cái đặc biệt ấy mới hiểu tại sao người Việt nói là “ăn Tết”.


Với bài này của tôi không có dụng ý châm biếm một người trí thức không cùng văn hóa nhưng tôi muốn bàn đến cái ưu việt của văn hóa Việt Nam. Tại sao người Việt Nam ta nói là “ăn Tết”. Trong ngôn ngữ của ta, ăn là cái gì và Tết là cái gì mà mình “ăn” được? Xin thưa ngay, chúng ta nói phải nói là “ăn Tết” thì chúng ta mới nói lên được tất cả cái hay, cái đẹp, cái lý thú, cái cao siêu của những ngày lễ hội đầu năm ấy. Vâng, sự “ăn Tết” của ta bao gồm cả một trời triết lý tuy huyền nhiệm nhưng rất “dễ thương”. Xin bàn rõ hơn:

1- Trước hết là vấn đề ăn: Theo Socrate thì con-người muốn sống cho “ra người” phải dùng phương châm: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Mấy ông Tây xưa này nói chuyện triết lý nghe kỳ cục quá. Làm như vậy thì hóa ra người cũng nên “làm” giống như mọi sinh vật khác; trâu, bò chó, ngựa, voi, khỉ, vượn, hươu, nai… ăn cỏ, cây trái “để sống”; beo, cọp, sư tử, chó sói, diều hâu, cá mập v.v. ăn thịt tươi sống cũng “ăn để sống”. Còn nói rằng “ăn cho ra người”, thì theo tôi, phải ngược lại: người ăn thì phải có cái ý muốn cao siêu, đặc biệt là “thực tri kỳ vị”. “Ăn cho ra người” là ăn cho có ý nghĩa, là phải biết ngon dở, phải biết mùi vị, tốt xấu, là phải ăn cho có… nghệ thuật (nghệ thuật là nhân tính). Nói cách khác: người muốn sống cho ra người thì phải tìm cái thú, cái hay trong “sự ăn”; nói rộng ra “biết sống là phải biết ăn” hay nói cho gọn, cho tiện: “sống để mà ăn”. Sự sống và sự ăn liên kết với nhau trong cuộc sống, tuy hai mà một không như sự sống và sự chết liên kết với nhau như bóng với hình.

Tôi không nói hàm hồ đâu. Cách ăn uống là thước đo trình độ văn minh của mỗi dân tộc. Nhân loại thời ở lỗ, ở hang mới “ăn lông” còn khi đã tìm ra lửa, trồng được ngũ cốc thì không “ăn lông” nữa. Về sau, tùy trình độ văn minh tiến bộ, dân tộc nào cũng tìm ra một lối ăn, một nghệ thuật ăn hợp với lối sống của mình. Có dân tộc ăn bốc, có dân tộc dùng đũa, có dân tộc dùng muỗng, nĩa, dao, kéo, v.v.. Có dân tộc ăn bò bo, có dân tộc ăn khoai mì (sắn), có dân tộc ăn lúa mì, có dân tộc ăn gạo, v.v..

Các dân tộc khác thì tôi không biết rõ chứ người Pháp cổ, đối với nghệ thuật ăn uống, họ cũng suy nghĩ kỹ càng lắm. Từ thế kỷ thứ 16, trong tinh thần hâm mộ nét cao siêu về sự ăn của dân Gaulois vào thời kỳ xa xưa, ông Rabelais, đã “chế tạo” ra những nhân vật Gargantua, Pantagruel để nhiệt thành quảng cáo cho sự “sống để mà ăn, ăn cho ra người”. Ông ấy đưa ra những câu phương châm rất xác đáng (đối với một dân tộc trân trọng sự ăn) để khuyến dụ sự tôn vinh việc ăn:

– Càng ăn nhiều càng khoái nhiều, càng uống nhiều càng sướng nhiều – l’appétit vient en mangeant… la soif s’en va en buvant

– Thượng Đế tạo hành tinh (còn) con-người (thì) chế thức ăn ngon – le Grand Dieu fit les planètes, Nous faisons les plats nets

Nhờ tinh thần “tham ăn” ấy mà triết lý Pháp tìm ra được lẽ uyên nguyên của thuyết nhân bản. Và nước Pháp mới đoạt được cái tước hiệu huy hoàng “xứ sở của sự ăn ngon mặc đẹp” mà các dân tộc Âu Mỹ khác thường sùng thượng hoặc… ganh tị. Người Pháp chính thống phải biết biết thưởng thức mùi vị tuyệt diệu của mỗi món phó-mát (mùi càng nồng nặc vị càng đậm đà) khi ăn kèm với một loại rượu thượng thặng, vừa nhắp nhẹ khỏi môi, thấm vào đầu lưỡi đã thấy tâm thần đê mê ngây ngất. Muốn chính lý hóa sự “điệu nghệ” ấy người Pháp có hệ thống định hướng thẩm vị Michelin để xếp hạng những nhà hàng ăn theo giá trị của những món ăn ngon và “không khí” ăn ngon. Người sành ăn (chơi) phải tìm đến những nhà hàng bốn, năm sao để thưởng thức mùi vị và tài nghệ nấu ăn của Đại Pháp.

Nhưng “sự ăn” được người Pháp chú trọng về phương diện nghệ thuật chứ không hẳn về ý nghĩa, về tinh thần ăn. Đấy là vấn đề của những nước có một nền văn minh vật chất, khoa học kỹ thuật cấp tiến. Người Á Đông thì không “làm” như vậy. “Sự ăn” của Tàu, của Nhật, của Đại Hàn không giống như vậy. Ăn đối với người Á Đông trước hết và căn bản là một hành động để sinh tồn, để tiếp dẫn sự có mặt của mình trong vũ trụ. Mà đã nói đến sinh tồn thì phải có ý nghĩa của nó, phải hợp với lẽ sinh tồn của con-người nói riêng, của vạn vật nói chung. Cho nên “ăn” đối với người Á Đông không phải là một nghệ thuật mà thôi, ăn cho khoái khẩu, ăn cho đã thèm, đã no; ăn đối với người Á Đông là đặt vấn đề thụ ân thiên địa.

Do đấy, riêng đối với người Việt, sự ăn phải được thể hiện theo “đạo Trời”. Khi ăn, không những người ăn phải nhớ đến công lao của người nông phu (kiểu suy nghĩ của Sully Prudhomme trong bài Le semeur); người ăn phải biết trân trọng cái “hột ngọc” của Trời ban cho. Khi nói đến việc “ăn”, người Việt Nam luôn nhắc đến chữ “cơm” như ăn cơm tiệm (dù sẽ ăn phở, ăn không có cơm), ăn cơm tây (với bánh mì), ăn cơm tàu (với những món tầu ăn kèm với mì sợi làm bằng bột mì) vì món ăn chính của ta là cơm, nấu bằng gạo. Miếng cơm thơm ngon dẻo ngọt mà ta ăn ấy trước kia là luá, là gạo được tạo thành bằng mồ hôi bằng công sức của người nông phu:

Dưới đầm cạn, trong đầm sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.

Và của Ông Trời đã làm cho mưa thuận gió hòa, thể theo lời

Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm.
Lấy rơm đun bếp…

Từ tinh thần tôn thờ Trời ấy, từ tính cảm nhiệm sự có-mặt (immanence) của Trời trong mọi “sự” (phénomènes) và “vật” (choses, êtres) ấy, con-người Việt xem “sự ăn” là một vấn đề tinh thần và chữ “ăn” được ghép vào mọi hành vi của mình. Cho nên, ngôn ngữ Việt Nam có gần một trăm cách nói có dùng chữ “ăn”.

Trong sự sống của loài người, Việt Nam ta hay ai ai cũng vậy, chỉ có mấy vấn đề sau đây là quan trọng, liên quan đến sự điều động cuộc sống bình thường:

– Ăn uống: ngay về mặt thực tế “ăn để mà sống”, không ăn thì chết (đói) cũng đã có vấn đề “tinh thần ăn” rồi: đói mới ăn, khát thì uống, nhưng phải có chừng mực, giờ giấc, điều độ. “Tham thực cực thân” là một phương châm trở thành tính chân lý rồi, ai cũng biết. Nhà Nho nói “thực vô cầu bảo”, đấy là phương châm của những bậc đại nhân quân tử trên đường “minh minh đức” còn người dân-thường nói dễ hiểu hơn: ăn uống phải từ tốn không nên ăn tham, ăn như mỏ khoét, uống ừng ực như trâu bò; khi ngồi vào ăn phải nhớ ăn trông nồi, ngồi trông hướng, v.v..

– Ăn nằm: bên cạnh “sự ăn” để sống, để bảo vệ sự trường tồn của giống người, có chuyện “ăn nằm” mà người Việt Nam xem là quan trọng bậc nhất. “Ăn nằm” là chuyện nam nữ, chuyện vợ chồng, chuyện kết hợp giữa hai giống người, biểu tượng cho sự hòa hợp âm dương trong Trời, Đất. Do đấy, từ ngàn xưa, luân lý, luật pháp của người Việt ta, từ thời nhà Lý đã chuẩn định trên nguyên tắc đạo đức, hợp với “đạo Trời”. Ăn nằm phải có đạo đức.

Ngoài ra, trong cuộc sống xã hội, muốn cho có sự thuận hòa trong sự liên hệ của “ta” với “người”, ngôn ngữ của ta có nói đến ba vấn đề “ăn” khác. Ba vấn đề ấy phải được xem là căn bản của tâm thức Việt Nam; đó là:

– Ăn ở: vào trường hợp này, chữ “ăn” được ghép vào chữ “ở” không phải để chỉ riêng mặt cụ thể của hai vấn đề: ăn cho no bụng và nhà cửa, nơi ăn chốn ở; trái lại, đấy là một cụm từ mang một ý nghĩa rộng rãi, bao bọc cả cuộc sống “xã hội” của con-người. Nó xác định được cái “bào hao” của từng con-người. “Ăn ở” có nghĩa là cách cư xử. Lối ăn, nếp ở là phong cách của một con-người trong xã hội, là sự đối đãi của một cá nhân này với cá nhân khác, là nề nếp của một xã hội lấy “đạo Trời” làm gốc.

Câu thơ:

Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê

và câu tục ngữ

Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài

xác định rõ ràng, khéo léo vấn đề cách đối xử với nhau của con-người; nó cần bao gồm tất cả ý nghĩa sâu sắc của triết thuyết trung hòa trong nguyên lý tam tài: trời, đất, người nên ta phải nói là “ăn ở”.

GS. Nguyễn Mạnh Bích biên soạn