1-Ngày 1/6, Nữ thuyền trưởng Christine Ribbe đã chỉ huy tàu chiến “tàng hình” Surcouf thuộc Hải quân Pháp cập cảng Sài Gòn, bắt đầu chuyến thăm TP Saigon kéo dài 5 ngày.
Ngày 1/6, tàu chiến Surcouf với thuyền trưởng là Trung tá Christine Ribbe đã cập cảng Sài Gòn (TPHCM). Tàu Surcouf là tàu hộ tống trong chiến dịch Jeanne d’Arc – chương trình đào tạo tác chiến kéo dài 5 tháng của một đơn vị thủy quân lục chiến Pháp.
Tàu Surcouf dài 125m, rộng hơn 15m, trọng tải 3.200 tấn, được đóng vào năm 1982. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Pháp đã đóng những con tàu như Surcouf. Đây là tàu hộ tống hàng, sau đó được biên chế vào Hải quân Pháp. Hiện nay có 5 con tàu mang tên Surcouf và con tàu ghé thăm TPSaigon là một trong những con tàu cuối cùng còn phục vụ trong Hải quân Pháp.
Đây là tàu hộ tống hạng nhẹ, có khả năng tàng hình. Trên tàu có 1 trực thăng giúp chương trình đào tạo này thực hiện được nhiều sứ mệnh được giao phó trên biển như chống khủng bố, buôn lậu và hải tặc.
Tàu “tàng hình” Surcouf có 150 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có 10% là nữ. Cùng tham gia chiến dịch Jeanne d’Arc, tàu Surcouf rời thành phố Toulon nước Pháp vào cuối tháng 2 năm nay. Chiến dịch sẽ huấn luyện cho 131 sĩ quan tham gia khóa học, trong đó có 10 người đến từ các nước đồng minh.
Bà Christine Ribbe tham gia vào Hải quân Pháp năm 1999, từng hoạt động ở vịnh Guinea, miền duyên hải Bờ Biển Ngà và Ấn Độ Dương. Năm 2006, bà là chỉ huy huấn luyện của tàu Tigre và từng tham gia các chiến dịch của Pháp với vai trò chỉ huy.
Trung tá Christine Ribbe hai lần được vinh danh là nhân vật tiêu biểu trong lực lượng Hải quân Pháp, nhận nhiệm vụ chỉ huy tàu Surcouf vào đầu năm nay.
Theo chỉ huy Christine Ribbe, trong khoảng thời gian 5 ngày ở TPSaigon, tàu Surcouf sẽ đón tiếp lãnh đạo TPSaigon lên thăm thành viên đoàn. Cùng với đó, chỉ huy tàu sẽ thăm xã giao chính quyền thành phố, một số đơn vị của thành phố. Đây cũng là dịp để thành viên đoàn nghỉ ngơi, tham quan TPSaigon.
Trong khi đó, tàu chỉ huy Dixmude đang neo đậu ở cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Tàu Dixmude là tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral, dài 200m, rộng 30m, trọng tải gần 22.000 tấn. Tàu được chính thức đưa vào biên chế hoạt động của Hải quân Pháp vào năm 2012 và là tàu quân sự lớn thứ 2 của Pháp.
Thuyền trưởng tàu Dixmude, chỉ huy chiến dịch – Đại tá Jean Porcher – cho biết một trong những nội dung quan trọng của chuyến ghé thăm Việt Nam là tham gia buổi huấn luyện chung với một tàu hải quân Việt Nam. Đây là dịp để hải quân 2 nước và các thủy thủ hiểu nhau hơn. Sĩ quan tham gia chương trình có có cơ hội học hỏi kinh nghiệm ở các nước.
Đây được xem là thời điểm cuối cùng trong giai đoạn huấn luyện của các sĩ quan, trước khi kết thúc chương trình, trở lại Pháp vào cuối tháng 7 năm nay.
Tại buổi trao đổi trên tàu trưa nay, Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM Vincent Floreani cho biết, các nước thành viên ASEAN có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo ổn định an ninh trên biển Đông.
Pháp khuyến khích các bên hành xử theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, đặc biệt nhấn mạnh giải quyết theo đường lối hòa bình, đối thoại tất cả mọi tranh chấp trên biển Đông, không sử dụng vũ lực. Nước Pháp mong muốn đảm bảo lưu thông hàng hải tự do, bay tự do trên vùng biển Đông và mong muốn sớm có bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.
2-Trong nỗ lực theo dõi việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa trái phép Biển Đông, các nhà báo Reuters hợp tác với một công ty chuyên phân tích ảnh chụp vệ tinh đã nghiên cứu hàng trăm bức ảnh và đưa ra kết luận có giá trị về những hoạt động sai trái mà Bắc Kinh luôn muốn che đậy.
Từ lâu nay, việc Trung Quốc âm thầm bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng phi pháp và điều khí tài quân sự ra các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vấn đề luôn khiến dư luận thế giới quan tâm và thấy quan ngại.
Ông Simon Scarr, phó giám đốc đồ họa của hãng thông tấn Reuters làm việc tại Singapore, từ lâu đã làm việc với các nhà cung cấp hình chụp vệ tinh tư nhân để có những phân tích về tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, ông Scarr cảm thấy rằng ông có thể khai thác nhiều hơn nữa những bức hình này để theo dõi các động thái trái với luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
Cuối năm ngoái, khi trao đổi với tổ chức Earthrise Media, một nhóm độc lập chuyên giúp các nhà báo thu thập và phân tích dữ liệu vệ tinh, ông Scarr băn khoăn rằng liệu Earthrise có thể đếm được những công trình do Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trên 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa hay không.
Sau 6 tuần nghiên cứu, Earthrise công bố hàng trăm bức ảnh chụp vệ tinh từ năm 2014 trở lại đây từ khi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh tiến độ bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp. Sau đó, các nhà báo của Reuters đã kiểm tra lại tính chính xác của dữ liệu bằng việc liên hệ với các nguồn tin quân sự cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia.
Trong một văn bản chứa dữ liệu xác nhận Trung Quốc đã xây dựng trái phép trên Biển Đông, một con số đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Đó là thông tin rằng Bắc Kinh đã xây tới 400 công trình phi pháp trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Con số này lớn hơn mức mà các chuyên gia, nhà báo kỳ vọng và gần gấp đôi số lượng các công trình được Trung Quốc xây dựng trái pháp luật trên các đảo nhân tạo khác.
Ngoài ra những dữ liệu này cũng có thể cho thấy tham vọng bành trướng và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, dù trước đó họ tuyên bố rằng các công trình được xây dựng với mục đích dân sự. Giới quan sát cảnh báo rằng các công trình trên đá Xu Bi và các cơ sở hạ tầng trên đá Vành Khăn và đá Chữ Thập cho thấy Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự với sức chứa 2.400 binh lính.
Từ những dữ liệu thu được, ông Scarr và đồng sự đã xây dựng nên một kho dữ liệu về hoạt động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông cùng với những hình ảnh và thông tin từ các nguồn đa dạng phục vụ cho hoạt động theo dõi và nghiên cứu.
Theo Reuters, trên đá Xu Bi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, Trung Quốc cho xây trái phép các hệ thống cơ sở vật chất tương tự nhau bao gồm khu vực bệ tên lửa, đường băng dài 3 km, khu vực kho bãi và một hệ thống có thể dò ra các vệ tinh, hoạt động quân sự trên Biển Đông của quân đội nước ngoài và hệ thống thông tin liên lạc.
3- Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm tới nền công nghiệp dầu mỏ của Iran sau khi Washington rút khỏi hiệp ước hạt nhân dường như đã tặng cho ngành công nghiệp năng lượng Nga một “món quà” không thể ngờ tới trị giá ít nhất 10 tỉ USD mỗi tháng, theo phỏng đoán của giới chuyên gia.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hồi đầu tháng 5 sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran, ông cảnh báo sẽ áp dụng vớiTehran một trong những “lệnh trừng phạt mạnh nhất mà chúng tôi (Mỹ) từng áp lên một quốc gia”.
Một trong những mục tiêu tối quan trọng nhất mà chính quyền ông Trump hướng tới là các mỏ dầu của Iran, được ví như những động cơ cho cỗ máy kinh tế của Tehran với 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày cung cấp cho châu Âu và châu Á. Hành động này rõ ràng gây thiệt hại đáng kể cho Iran nhưng lại dường như vô tình làm lợi cho Nga.
Việc loại bỏ hàng triệu thùng dầu khỏi nguồn cung trên thị trường thế giới mỗi ngày là động thái được các chuyên gia cho rằng sẽ làm giá dầu tăng lên. Nga là quốc gia xuất khẩu năng lượng vào hàng lớn nhất thế giới, nhưng trong 4 năm qua, giá dầu giảm mạnh đã khiến nền kinh tế của Moscow bị ảnh hưởng ít nhiều, khiến Nga phải kích hoạt một số chiến lược “thắt lưng buộc bụng”. Hành động của chính quyền ông Trump dường như có thể đảo ngược lại tình hình.
“Chúng tôi phải gửi lời cảm ơn ông Donald Trump vì đã tặng một món quà không thể ngờ tới”, nhà phân tích thị trường dầu mỏ Alexey Gavrilov nói, nhận định mất mát của Iran (trong ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ) dường như mang lại lợi ích cho Moscow.
Kể từ khi phương Tây bắt đầu áp lệnh trừng phạt lên Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea từ 4 năm trước, nền kinh tế Nga đã chịu không ít khó khăn khi đồng nội tệ mất giá, tỉ lệ lạm phát tăng. Trong đó, việc giá dầu sụt giảm từ 110 USD 1 thùng xuống 30 USD chỉ từ tháng 3 tới tháng 6/2014 khiến Nga lao đao, do dầu và khí đốt tự nhiên là 2 mặt hàng chiếm 50% tổng doanh thu tới từ xuất khẩu của Nga.
Hiện thời, khi giá dầu đã tăng lên mức cao nhất 80 USD (giá ngày 23/5) trong vòng hơn 3 năm qua, nền kinh tế Nga đã bớt đi khó khăn trong bối cảnh lệnh trừng phạt vẫn đang tiếp tục bị áp đặt lên Moscow.
Theo các chuyên gia, với giá dầu tăng lên 80 USD, Nga có thể kiếm được ít nhất thêm 10 tỷ USD mỗi tháng. Tập đoàn Goldman Sachs dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2018 sẽ là 3,3 %, vượt cả Liên minh châu Âu EU và Mỹ. Tỷ lệ lạm phát của Nga cũng đã giảm xuống 2% trong quý 1 năm nay.
4-Thủ tướng Tây Ban Nha bị phế truất vì bê bối tham nhũng
Ông Mariano Rajoy đã bị buộc thôi chức Thủ tướng Tây Ban Nha sau thất bại tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội vì bê bối tham nhũng trong đảng do ông lãnh đạo. Tân thủ tướng dự kiến sẽ nhậm chức vào cuối tuần này.
BBC đưa tin, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội Tây Ban Nha ngày 1/6, ông Rajoy đã thất bại và bị buộc phải từ chức thủ tướng. Lãnh đạo đảng Xã hội Tây Ban Nha Pedro Sánchez, người đã phát động cuộc bỏ phiếu trên do đảng của ông Rajoy lãnh đạo vướng vào bê bối tham nhũng, sẽ trở thành thủ tướng kế tiếp.
“Chúng ta sẽ bước sang một trang mới trong lịch sử nền dân chủ của Tây Ban Nha”, ông Sánchez phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.
Như vậy, ông Rajoy là thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại bị phế truất vì thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Ông Rajoy trở thành lãnh đạo của đảng bảo thủ Nhân dân Tây Ban Nha (PP) kể từ năm 2011 khi ông nhậm chức Thủ tướng.
Đảng của ông Sánchez đã đạt được số phiếu quá bán trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sau khi nhận được sự ủng hộ từ các đảng nhỏ trong quốc hội với 180 phiếu thuận, 169 phiếu chống, 1 phiếu trắng.
Ông Sánchez đã cáo buộc ông Rajoy vô trách nhiệm với bê bối tham nhũng liên quan tới đảng PP. Một cựu thủ quỹ của đảng này, Luis Bárcenas, đã bị tuyên phạt 33 năm tù với tội danh biển thủ, rửa tiền và vi phạm luật thuế.
Thủ tướng tương lai Sánchez, 46 tuổi, là gương mặt khá được lòng công chúng dù mới nhậm chức lãnh đạo đảng Xã hội từ năm 2014. Ông là một nhà kinh tế, cựu tuyển thủ bóng rổ trước khi dấn thân vào con đường chính trị.
Hiến pháp Tây Ban Nha quy định nếu đảng nào khởi xướng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhận được sử ủng hộ hơn 50% từ quốc hội, đảng đó sẽ lên cầm quyền, và cử ứng viên thay thế thủ tướng bị bất tín nhiệm. Chính vì vậy, dù đảng Xã hội của ông Sánchez chiếm chưa tới 25% số ghế trong quốc hội, nhưng ông sẽ vẫn trở thành thủ tướng Tây Ban Nha.
Việc ông Rajoy mất chức đã đẩy chính trường Tây Ban Nha vào tình thế bất ổn, khi các đảng nhỏ như Basque và Catalan dù ủng hộ đảng của ông Sánchez trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không rõ liệu họ có ủng hộ chính phủ mới hay không,
Ông Sánchez dự kiến sẽ nhậm chức vào cuối tuần và công bố nội các mới vào tuần sau.
5-Quân đội Mỹ dường như đang thảo luận sơ bộ với Đức về việc triển khai Hệ thống phòng thủ hoả tiển tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này nhằm tăng khả năng bảo vệ châu Âu.
Reuters trích một số nguồn tin giấu tên cho hay, Washington đang tính mang lá chắn THAAD sang lắp đặt tại căn cứ Ramstein, Đức. Đây là vấn đề được đề xuất trước quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump.
Tuy châu Âu và Mỹ không đồng thuận về mặt quan điểm với một số vấn đề liên quan tới số phận hiệp ước trên, nhưng họ đều có cùng mối quan ngại về việc Iran sẽ tiếp tục phát triển các hoả tiển hạt nhân sau khi thỏa thuận có thể bị hủy bỏ. Các tên lửa Shahab 3 của Iran có tầm bắn 2.000 km, có thể tấn công tới khu vực Nam Âu và Iran cũng từng cảnh báo họ có khả năng mở rộng tầm tấn công của tên lửa này xa hơn nữa.
Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu được cho là đã đề xuất việc đưa THAAD tới châu lục này trong nhiều năm qua nhưng chưa có kết quả. Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran, vấn đề phòng thủ của châu Âu trở nên cấp thiết hơn, ông Riki Ellison, chủ tịch nhóm phi lợi nhuận Liên minh Ủng hộ Phòng thủ Tên lửa, nhận định.
Trước đó, Tướng Curtis Scaparrotti, chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu nói: “Trước mắt, Đức đường như không có vấn đề gì với việc triển khai THAAD tại đây”.
Một quan chức quân sự cấp cao của Đức từng nhận định rằng châu Âu cần triển khai thêm nhiều hệ thống radar ở trên địa bàn nhằm phát hiện và kiểm soát tốt hơn các mối đe dọa tiềm ẩn, cũng như tiến hành đánh chặn các mục tiêu nếu cần thiết.
Bộ Quốc phòng Đức cũng đang lên kế hoạch xây dựng lại lá chắn tên lửa tầm ngắn và tầm trung sau hàng năm trời cắt giảm ngân sách. Hai hệ thống đang được Đức đưa vào tầm ngắm là THAAD và Arrow 3 của Israel. Bộ Ngoại giao Đức cho hay họ không có thông tin về việc này.
Mặc dù vậy, khi được hỏi về vấn đề trên, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hiện chưa có quyết định nào liên quan tới THAAD được đưa ra. “Hiện (Mỹ) chưa có kế hoạch triển khai các hệ thống THAAD ở Đức. Chúng tôi không thỏa luận về những kế hoạch quân sự tiềm năng trong tương lai vì chúng tôi không muốn tiết lộ ý định của Mỹ tới các đối thủ tiềm tàng. Đức hiện vẫn là một trong những đối tác thân thiết và mạnh nhất của Washington”, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon phát biểu.
Ngoài việc ngăn chặn mối đe dọa đến từ Iran, việc lắp đặt THAAD ở châu Âu còn có ý nghĩa với khu vực này trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang có dấu hiệu gia tăng.
6- Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã từ chối gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump để bàn về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau khi nhận được yêu cầu “không thể chấp nhận” từ Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
Theo AP, Thủ tướng Trudeau hôm 31/5 cho hay ông đã lên kế hoạch tới Washington vào tuần này nhằm thương lượng về việc đàm phán lại hiệp định NAFTA. Tuy nhiên, ông Trudeau đã nhận được cuộc gọi từ Phó Tổng thống Pence thông báo rằng cuộc gặp giữa ông Trudeau với ông Trump chỉ diễn ra nếu Canada đồng ý thời hạn hiệp định sẽ kéo dài trong 5 năm.
Ông Trudeau nói rằng ông đã từ chối cuộc gặp với ông Trump vì yêu cầu của ông Pence là “hoàn toàn không thể chấp nhận”. Bình luận của Thủ tướng Canada được đưa ra trong bối cảnh Mỹ áp thuế suất mới lên mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu của Canada.
Hôm 25/6, ông Trudeau đã điện đàm với ông Trump và đề xuất gặp mặt vì ông cảm thấy ông và Tổng thống Mỹ đang đi đến giai đoạn cuối cùng của việc đàm phán thỏa thuận và chỉ cần sự chốt hạ của 2 bên. Vào thời điểm đó, ông Trump dường như đã tỏ ra đồng thuận với ông Trudeau trước khi ông Pence gọi điện cho ông vào ngày 29/5.
“Tôi từng cho rằng chúng tôi đang ở rất gần một thỏa thuận và có lẽ đã đến lúc chúng tôi nên ngồi xuống để hoàn thiện NAFTA. Chúng tôi vốn đã có một phần khung nền tảng có lợi cho tất cả các bên và tôi từng nghĩ đó sẽ là cơ hội cho chúng tôi thảo luận về nó”, ông Trudeau cho hay.
Ông Trudeau từng khẳng định lập trường rằng ông không đồng ý với việc thêm điều khoản quy định thời hạn thực hiện hiệp định vì các doanh nghiệp cần sự chắc chắn khi họ thực hiện các khoản đầu tư dài hạn và thời hạn thực hiện 5 năm ngắn ngủi sẽ tạo nên sự thiếu chắc chắn.
“Tôi phải nhấn mạnh rằng sẽ không có Thủ tướng Canada nào chấp nhận ký vào hiệp định NAFTA có điều khoản chỉ kéo dài trong 5 năm và dĩ nhiên chuyến thăm (Mỹ) sẽ không xảy ra”, ông Trudeau lý giải.
Trước đó, ông Trudeau đã bày tỏ sự phản đối với quyết định tăng thuế suất mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ Canada của Mỹ. Canada cũng đã công bố kế hoạch tăng thuế suất trị giá 12,8 tỉ USD với các sản phẩm của Washington từ thép đến sữa chua, giấy vệ sinh.
Ông Trudeau nói ông rất tiếc về quyết định này nhưng Canada phải thực hiện nó. Ông hy vọng tới một thời điểm nào đó mọi thứ sẽ trở lại bình thường, tuy nhiên tỏ ra không mấy lạc quan rằng điều này có thể xảy ra dưới sự lãnh đạo của chính quyền hiện tại.
Những khuyến nghị mới nhất của Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giới
Bản báo cáo thứ 3 trong Dự án Cập nhật liên tục của Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giớ WCRF tiếp tục cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của tổ chức này trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về những thói quen, lối sống có thể liên quan với ung thư và đưa ra những khuyến nghị cho những người muốn giảm thiểu nguy cơ ung thư.
Trong báo cáo này, WCRF khuyến nghị nên cắt giảm đáng kể hoặc hoàn toàn các loại thịt chế biến sẵn, bao gồm thịt xông khói, salami, xúc xích và một số loại sốt. Bởi những thực phẩm này có liên quan với ung thư đại trực tràng.
Các loại thịt tươi như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu cũng làm tăng nguy cơ ung thư hơn nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng và những sản phẩm này vẫn là nguồn cung cấp protein, sắt và vitamin nhóm B. Do đó, khuyến nghị chung là không nên ăn nhiều hơn 3 khẩu phần thịt tươi (thịt bò, lợn, cừu) và hạn chế thấp nhất có thể thịt chế biến sẵn.
Rượu cũng thuộc nhóm đồ uống cần giám sát của tổ chức này vì có những bằng chứng rõ ràng cho thấy uống rượu có thể gây ra nhiều loại ung thư.
Rượu có liên quan với ung thư miệng, họng, thực quản, gan, vú, dạ dày và đại tràng.
Một số nghiên cứu cho thấy uống vừa phải, không quá 1 khẩu phần với nữ và 2 khẩu phần với nam sẽ giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện sức khỏe tim mạch… Tuy nhiên, theo WCRF: “Để phòng ngừa ung thư, tốt nhất là không uống rượu!”
Báo cáo cũng khuyến nghị các cá nhân nên duy trì cân nặng hợp lý, duy trì vận động, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu đỗ và hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và đồ uống có đường; tránh sử dụng các vitamin bổ sung liều cao vì không những không làm giảm nguy cơ ung thư mà trong 1 số trường hợp có thể làm gia tăng ung bướu.
Báo cáo cũng khuyến nghị các bà mẹ nên cho con bú bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bú mẹ giúp phòng ngừa ung thư vú hiệu quả.