Trần Minh, Bình Luận Gia
Việc Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg qua đời, để lại một chỗ trống trong Tòa Án Tối Cao đã đổ thêm dầu vào cuộc đua tổng thống nảy lửa năm nay. Dễ đoán là Đảng Dân Chủ đòi phải sau bầu cử mới xúc tiến quá trình bổ nhiệm vào chỗ trống của bà Ginsburg. Còn Đảng Cộng Hòa, đặc biệt là ông Trump, đứng trước thời cơ có thể bổ nhiệm tới ba thẩm phán bảo thủ trong một nhiệm kỳ, nói việc này nên làm ngay chớ chậm chễ.
Đảng Dân Chủ tố cáo Đảng Cộng Hòa “đạo đức giả” vì vào năm 2016, Đảng Cộng hòa đã cố tình trì hoãn việc ông Obama bổ nhiệm một thẩm phán tối cao thế chỗ một thẩm phán khác qua đời. Khi ấy Đảng Cộng Hòa nói rằng phải để sau cuộc bầu cử, thì “mới thể hiện ý chí của nhân dân”.
Nhưng tình cảnh đã khác, nay ngồi ở Bạch Cung không phải là Obama mà là Trump, một thành viên của Đảng Cộng Hòa.
Dù tố cáo đối phương ra sao, Đảng Dân Chủ hiểu rõ rằng không có luật nào ngăn cản ông Trump và Thượng Viện do Đảng Cộng Hòa chi phối thực hiện ngay lập tức thủ tục bổ nhiệm thẩm phán thay thế. Nhưng một Tòa án tối cao với năm trên chín thẩm phán thuộc phe bảo thủ là quá rủi ro đối với Đảng Dân Chủ. Họ đang đe dọa dùng mọi vũ khí có thể để ngăn chặn thảm họa này.
Sức mạnh của Tòa Án Tối Cao đối với chính sách của hai đảng là cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời kỳ chia rẽ đảng phái gay gắt như hôm nay. Nhiều người nhận định rằng sau nửa đầu nhiệm kỳ của Obama, chính phủ Mỹ bắt đầu bị phân hóa và mang nặng tính đảng phái. Hai đảng đã phải viện đến Tòa Án Tối Cao để giải quyết các tranh cãi và bế tắc. Tòa Án Tối Cao theo đó có thể trở thành một nhánh quyền lực nhất của chính phủ liên bang.
Chẳng hạn, bằng việc quyết định số phận của ObamaCare, Tòa Án Tối Cao đã ảnh hưởng tới dòng chảy của hàng tỷ đô trong ngành bảo hiểm chỉ trong một quyết sách. Tổng cộng, tòa án này đã ra gần 100 phán quyết tác động đến chính sách chính quyền Obama. Đây là một mức độ mà các nhà lập quốc chưa từng nghĩ đến.
Ngoài ra, trong nhiều năm Đảng Dân Chủ đã dùng hệ thống tòa án để đạt được mục tiêu “công lý xã hội” mà họ thúc đẩy khi không thể thông qua quốc hội. Một ví dụ nổi trội nhất là quyền kết hôn của người đồng tính. Quyền này bị cử tri California bác bỏ nhưng sau khi tìm đường đến Tòa Án Tối Cao bằng cách kiện tụng, nó đã trở thành luật của cả bang.
Tổng Thống Trump và Đảng Cộng Hòa cũng chịu khó tận dụng tòa án tối cao khi các quyết sách của mình bị Đảng Dân Chủ ngáng đường. Chẳng hạn khi không thể tìm đâu ra ngân sách cho Bức Tường Biên Giới, ông Trump đã phải dùng đến quyền điều chuyển ngân sách từ quân đội. Và quyết định này ngay lập tức bị kiện. Chỉ khi đến Tòa Án Tối Cao, ông mới có thể tiếp tục xây bức tường ưa thích của mình.
Do vậy, đảng nào cũng muốn mình là người bổ nhiệm thẩm phán mới. Đảng Dân Chủ hy vọng sẽ chiếm được cả Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện sau cuộc bầu cử 2020. Khi đó, họ sẽ có quyền đề xuất thẩm phán.
Trước khi bà Ginsburg qua đời, Tòa Án Tối Cao tương đối quân bình với bốn thẩm phán bảo thủ, bốn thẩm phán cấp tiến, và một chánh án John Roberts trung dung nắm lá phiếu chủ chốt. Việc bổ nhiệm thêm một thẩm phán bảo thủ nữa không nghi ngờ gì sẽ khiến cả tòa án lệch về cánh hữu. Đảng Dân Chủ biết thế và họ sẽ dùng mọi cách để ngăn cản điều này thành sự thật.
Các cuộc tranh cãi cay đắng trong khi Thượng Viện phê chuẩn Thẩm Phán Brett Kavanaugh (người mà Trump chọn) đã cho thấy chính trị có thể xấu xí đến mức nào. Khi không tìm thấy điểm yếu gì về năng lực có thể khai thác được, ông Kavanaugh bị vu vạ cho đã cưỡng hiếp một bạn học từ hàng chục năm trước, hồi ông còn học cấp ba.
Kavanaugh đã khóc khi nói rằng gia đình ông đã bị hủy hoại trong con mắt ác ý của truyền thông và công luận, trong khi chưa có bằng chứng gì ngoài những cáo buộc vô căn cứ. Cuối cùng, Đảng Cộng Hòa chỉ có thể phê chuẩn được Kavanaugh bằng thế đa số mong manh ở Thượng Viện với tỷ lệ 50-48. Nay với một vị trí còn quan trọng hơn của ông Kavanaugh, cuộc chiến về bổ nhiệm thẩm phán tối cao mới sẽ còn gay gắt và khó chịu hơn nhiều, bất kể người Trump chọn là ai.
Nhưng Đảng Dân Chủ cũng biết rằng vấn đề chọn thẩm phán mới chỉ có một luật được hiến pháp quy định, là tổng thống có quyền bổ nhiệm và Thượng Viện là nơi phê duyệt. Không có điều luật nào khác.
Đạo đức giả hay là chính trị?
Một chỉ trích được Đảng Dân Chủ lặp lại mãi là Đảng Cộng Hòa là những kẻ đạo đức giả trong khi vào năm 2016 đã không cho Obama bổ nhiệm một thẩm phán tối cao mới mà khăng khăng đợi đến sau bầu cử. Nhưng chúng ta hãy thử xét thêm về lịch sử của Đảng Dân Chủ.
Năm 2001, lãnh đạo đa số Thượng Viện Harry Reid (đảng Dân Chủ) đã chào đón Tổng Thống George W Bush (đảng Cộng Hòa) với một loạt các thủ tục filibuster (ngăn chặn bổ nhiệm) đối với hàng loạt các ứng viên tư pháp mà Bush lựa chọn. Reid làm vậy không phải bởi những thẩm phán mà Bush lựa không đủ phẩm chất, mà là vì ông ta có thể và ông ta muốn Bush trả giá vì thắng cử. Công bằng mà nói cuộc bầu cử Bush-Al Gore 2000 cũng thật gây tranh cãi về việc ai thắng, ai bại. Tòa Án Tối Cao đã phải vào cuộc và phân xử Bush thắng. Tóm lại, hiến pháp trao cho Reid quyền lực đó, và Đảng Cộng Hòa cũng không có căn cứ pháp lý nào để chống lại ông ta.
. Vì sao họ muốn vậy? Bởi vì Đảng Dân Chủ không có hy vọng chiếm được 60 Thượng Viện trong cuộc bầu cử tới. Cùng lắm là họ mong chiếm được 51 ghế (thêm 3 ghế nữa so với hiện nay) và như vậy thì Đảng Cộng Hòa lại có thể thoải mái dùng filibuster để ngăn chặn quyết sách của Đảng Dân Chủ như những gì họ đã làm với Bush năm 2001.
Khi đảng Dân Chủ nắm Thượng Viện vào năm 2013, họ đã bỏ phiếu để hủy bỏ filibuster đối với các vị trí thẩm phán cấp thấp mà Tổng Thống Obama bổ nhiệm. Khi họ có quyền thay đổi luật chơi nhằm có lợi cho mình, họ đã làm như vậy. Điều này có công bằng với Đảng Cộng hòa hay không? Không ai tỏ ra quan tâm. Chính trị là trò chơi theo luật, chứ không phải cảm tính.
Từ chuyện filibuster, người ta thấy rõ rằng nếu mà ở vị thế của Đảng Cộng hòa hiện nay, thì Đảng Dân chủ cũng sẽ tiến hành bổ nhiệm thẩm phán mới ngay lập tức. Họ cũng sẽ ngăn chặn bất kỳ ai mà Trump bổ nhiệm trong năm bầu cử giống y như Đảng Cộng Hòa làm với Obama năm 2016.
Trần Minh, Bình Luận Gia