Võ Thái Hà tóm lược
Tổng thống Trump: Chúng tôi biết virus đến từ đâu
Ngày 21/4, Tổng thống Trump có buổi trả lời phỏng vấn. Khi được hỏi rằng liệu phía Trung Quốc có viện dẫn các điều khoản thảm họa tự nhiên trong các thỏa thuận thương mại hay không, Tổng thống Trump đã khẳng định rằng thái độ cứng rắn của ông đối với đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là không có gì phải bàn cãi.
Ông nói rằng việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng ngay lúc sắp đạt được những điều tốt đẹp, thì đột nhiên lại xuất hiện một kẻ thù vô hình – virus ĐCSTQ đã gây ra đại dịch toàn cầu.
“Đột nhiên, tôi không biết kẻ thù vô hình này đến từ đâu, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi biết được nguồn gốc của nó và chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về nó trong tương lai”, ông nói.
“Đứng trước kẻ thù vô hình này, đối với Trung Quốc thì không ai cứng rắn hơn tôi. Không rõ họ có tiếp tục hợp tác với chúng ta nữa hay không? (ý nói thỏa thuận thương mại). Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, chúng tôi sẽ chấm dứt và chúng tôi sẽ làm điều này tốt hơn bất kỳ ai, làm mọi thứ tốt hơn”, ông Trump nói.
Một phóng viên khác sau đó hỏi ông rằng, liệu các nhân viên tình báo Mỹ có nói với ông thông tin về virus đến từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay không?
Tổng thống Trump trả lời rằng ông không thể nói điều đó, nhưng chỉ có thể nói với mọi người rằng: “Họ đã cho tôi biết rất nhiều. Họ đã cho tôi biết rất nhiều điều”.
Chiến hạm Mỹ, Úc cùng diễn tập trên Biển Đông
Tàu hộ vệ Úc HMAS Parramatta đã tham gia diễn tập cùng 3 chiến hạm Mỹ trên Biển Đông với mục tiêu hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
“Tàu hộ vệ HMAS Parramatta, khu trục hạm Mỹ USS Barry đã tham gia đợt diễn tập chung trên Biển Đông cùng tàu đổ bộ USS America và tuần dương hạm USS Bunker Hill nhằm tăng cường phối hợp giữa hải quân hai nước. Các chiến hạm đã thực hành nội dung tiếp vận và cơ động trên biển, hoạt động đường không và thông tin liên lạc”, Reuters dẫn thông cáo hôm 22/4 của Bộ Quốc phòng Úc.
Ngày 21/4, hải quân Mỹ xác nhận rằng 2 tàu tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đang hoạt động ở Biển Đông.
Các tàu của Mỹ và Úc đã hoạt động ở gần tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc và một tàu của Malaysia.
Ấn Độ cảnh báo kit xét nghiệm nhanh Trung Quốc
Theo India Today, Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ hôm nay khuyến cáo các bang dừng sử dụng kit xét nghiệm nhanh Covid-19 do Trung Quốc sản xuất sau khi phát hiện các kết quả xét nghiệm không đồng nhất tại các bang.
“Chúng tôi đã nhận được khiếu nại từ một bang về độ chính xác của kit xét nghiệm, nên đã trao đổi với ba bang và nhận thấy có khác biệt rất lớn về độ chính xác. Độ chính xác kết quả xét nghiệm các mẫu dương tính ở một số nơi là 6%, trong khi những nơi khác là 71%”, ông Raman R Gangakhedkar, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ, cho biết trong buổi họp báo hôm nay.
Ông Gangakhedkar cho biết sẽ cử 8 nhóm chuyên gia tới xem xét những kit đã được sử dụng để xác định kit nào bị lỗi và nêu vấn đề với nhà sản xuất.
Chính quyền bang Rajasthan, phía Tây Ấn Độ ngày 21/4 thông báo sẽ không sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh do Trung Quốc sản xuất, vì độ chính xác của thiết bị này trong việc xét nghiệm các ca Covid-19 chỉ đạt 5,4%, trong khi tỷ lệ chính xác được kỳ vọng là 90%.
Cáp Nhĩ Tân siết hạn chế đi lại
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay cho biết, thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ Tỉnh Hắc Long Giang cấm người dân cùng các phương tiện giao thông bên ngoài đi vào nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Cáp Nhĩ Tân trong tháng này thông báo yêu cầu cách ly 28 ngày đối với tất cả những người đến từ nước ngoài, đồng thời thực hiện hai xét nghiệm axit nucleic và xét nghiệm kháng thể cho mỗi người. Chính quyền cũng ra lệnh phong tỏa 14 ngày với những nơi phát hiện ca nhiễm không triệu chứng.
Trước đó, người dân ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc trả lời phỏng vấn độc quyền của Secretchina, cho biết tình hình dịch bệnh ở đây rất nghiêm trọng.
Áo cảm ơn Đài Loan đã quyên tặng 300.000 khẩu trang phẫu thuật
Hãng tin CNA hôm nay cho biết các quan chức và các bệnh viện ở Áo gửi lời cảm ơn Đài Loan khi lô hàng viện trợ gồm 300.000 khẩu trang y tế đã tới Áo.
Buỗi lễ trao tặng được tổ chức tại thành phố Graz, thủ phủ của Styria. Khoảng 150.000 chiếc khẩu trang được trao tặng cho vùng Styria.
Bệnh viện Allgemeines Krankenhaus der Stadt Wien (AKH), bệnh viện lớn nhất ở Áo, đã nhận được 100.000 chiếc khẩu trang. Giám đốc bệnh viện Herwig Wetzlinger cũng gửi lời cảm ơn tới Đài Loan vì sự hỗ trợ này.
Bà Vanessa Shih, đại diện của Đài Loan tại Áo, cho biết đến nay Đài Loan đã quyên tặng gần 20 triệu khẩu trang cho các quốc gia trên thế giới, với khẩu hiệu: “Đài Loan có thể giúp đỡ”.
Iran phóng vệ tinh quân sự đầu tiên
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm nay thông báo phóng thành công vệ tinh quân sự Nour sau nhiều lần thất bại trong nỗ lực đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
“Vệ tinh quân sự đầu tiên của Iran đã được Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) phóng thành công, nó đang hoạt động trên quỹ đạo cách mặt đất 425 km”, Reuters dẫn thông cáo của IRGC.
Vệ tinh mang có tên Nour, được phóng lúc sáng nay bằng tên lửa đẩy hai tầng Qassed từ sa mạc Markazi ở miền Trung Iran.
Tiểu bang Missouri kiện Trung Quốc, nói Bắc Kinh gây ra thảm họa Covid-19
Tổng chưởng lý của tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ, ông Eric Schmitt, đã đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc hôm thứ Ba, nói rằng việc Bắc Kinh che giấu thông tin về virus Vũ Hán đã khiến loại virus chết người này lan rộng và trở thành đại dịch toàn cầu, khiến thế giới thiệt hại hàng ngàn tỷ đô la, theo SCMP.
Đơn kiện được gửi lên Tòa án Khu vực Đông Missouri của Hoa Kỳ, trong đó đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc ban đầu đã nói dối rằng virus này không lây lan từ người sang người, bị miệng những người cảnh báo công chúng về sự nguy hiểm của nCoV, và sự thất bại của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Ông Schmitt nói rằng, ông thực hiện việc này với mục tiêu “khắc phục những thiệt hại to lớn về sinh mạng, sự đau khổ và sự bất ổn kinh tế của tất cả người dân bang Missouri trong đại dịch Covid-19 vốn đã và đang tàn phá thế giới”.
“Chiến dịch lừa dối, che giấu thông tin, bịt miệng người dân và khoanh tay đứng nhìn tới mức ghê tởm của chính quyền Trung Quốc đã tạo ra đại dịch này”, ông Schmitt nói.
Lebanon: Người dân biểu tình trong đại dịch
Reuters đưa tin, hàng chục người Lebanon đã tập trung biểu tình trên đường phố thủ đô Beirut vào hôm thứ Ba trong hoàn cảnh đất nước đang cách ly để chống dịch viêm phổi Vũ Hán. Người biểu tình tỏ ra tức giận vì tình trạng nghèo đói và khó khăn gia tăng.
Để đảm bảo việc biểu tình không vi phạm quy định cách ly, người biểu tình ngồi trong xe hơi, vươn người ra khỏi xe, vẫy cờ Lebanon và hô khẩu hiệu phản đối giới cầm quyền. Tiếp theo người biểu tình lái xe tới nơi diễn ra phiên họp quốc hội đầu tiên trong dịch viêm phổi Vũ Hán để bày tỏ thái độ của mình đối với hoàn cảnh sống hiện tại.
“Không ai còn việc làm. Tiền lương cứ giảm dần. Chúng tôi xuống đường vì không có gì thay đổi kể từ khi chúng tôi rời đi”, ông Ali Haidar, một người biểu tình nói, đề cập tới các cuộc biểu tình diễn ra trước khi dịch bệnh bùng phát.
Mỹ đang theo dõi sát thông tin về sức khỏe của Kim Jong Un
Hoa Kỳ hiện không biết tình trạng sức khỏe hiện tại của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về ông Kim, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Robert O’Brien, cho biết hôm thứ Ba, theo Yonhap.
Ông O’Brien nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: “Như mọi người ở đây đều biết, Triều Tiên rất thận trọng với thông tin mà họ đưa ra đối với nhiều vấn đề, đặc biệt là thông tin về các nhà lãnh đạo của họ và vì vậy chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin này”.
Ông O’Brien cũng nói rằng còn quá sớm để thảo luận về việc ai sẽ thay thế ông Kim trong trường hợp lãnh đạo tối cao của Triều Tiên thật sự gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Venezuela: đại diện của Maduro và Guaido bí mật gặp nhau
Nhóm đàm phán của chính phủ Maduro và lực lượng đối lập của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Guaido đã bí mật gặp nhau trong bối cảnh khủng hoảng ở Venezuela càng trở nên trầm trọng hơn khi nước này bị dịch viêm phổi Vũ Hán tấn công, theo Reuters.
Hiện Reuters chưa xác định được thời điểm diễn ra cuộc đàm phán, cũng như quan điểm của Maduro và Guaido về cuộc thảo luận. Các nhà hoạt động và các nhóm nhân quyền trên khắp thế giới đã thúc giục cả chính phủ Maduro và Guaido tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình để phối hợp giải quyết khó khăn cho người dân.
Covid-19: Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ chỉ trích chính giới Hoa Kỳ
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đã lên tiếng chỉ trích chính giới Hoa Kỳ rằng việc họ quy kết trách nhiệm cho Bắc Kinh đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán là “vô căn cứ”, theo Reuters.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Thôi cũng đổ lỗi cho giới truyền thông đã lan truyền những thông tin không trung thực về nỗ lực phòng chống dịch của chính quyền Trung Quốc.
Vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã triệu tập ông Thôi để phản đối việc Bắc Kinh đưa ra những bình luận ám chỉ quân đội Mỹ phát tán virus Vũ Hán.
Đài Loan quyên tặng thêm 2 triệu khẩu trang cho Mỹ
Đại diện của Đài Loan trao tặng 100.000 khẩu trang cho bang Massachusetts (ảnh: Taiwan in Boston/Twitter).
Lô hàng viện trợ gồm 2 triệu khẩu trang của Đài Loan đã đến Mỹ vào hôm 20/4. Như vậy, trong tháng này, Đài Loan đã quyên tặng cho Mỹ 4 triệu khẩu trang.
Trong lô hàng viện trợ lần này, bang Massachusetts nhận được 100.000 khẩu trang. Theo Taiwan News, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Boston cho biết trong một thông cáo: “Nguồn viện trợ quan trọng này sẽ được gửi đến các nhân viên y tế tuyến đầu khi họ phải làm việc suốt ngày đêm để điều trị và cứu người ở Massachusetts”. Chính quyền bang Massachusetts đã cảm ơn Đài Loan vì món quà này.
Đài truyền hình NTD cho biết, ông Mark Sullivan, đại diện của bang Massachusetts bày tỏ: “Tôi rất vinh dự được thay mặt cho Thống đốc Charlie Baker và Phó Thống đốc Karyn Polito đến đây tiếp đón những người bạn Đài Loan và nhận 100.000 khẩu trang y tế của tình hữu nghị này. Chính phủ Đài Loan không chỉ sản xuất khẩu trang mà còn vận chuyển đến cho chúng tôi, chúng tôi thật sự rất biết ơn. Cảm ơn chính phủ Đài Loan lần nữa vì món quà các bạn đã trao tặng”.
Dân biểu Huang Zi’an của bang Massachusetts bày tỏ: “Tôi muốn cảm ơn những người bạn Đài Loan đã tặng 100.000 khẩu trang cho bang, đây là vật tư mà nơi đây đang rất cần đến”.
Theo Taiwan News, Massachusetts là bang có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ ba ở Mỹ, trong khi số ca tử vong đứng thứ tư toàn quốc.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren hôm 21/4 đăng trên Twitter rằng: “Tôi bày tỏ lòng biết ơn đến Đài Loan vì sự quyên tặng hào phóng cho Massachusetts để chống lại Covid-19”. Bên dười bài đăng của bà, Hiệp hội Formosa về các vấn đề công cộng (FAPA) bình luận: “Sẽ thật tốt nếu chính quyền Mỹ xem xét hỗ trợ Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ: Dự án nhận dạng kỹ thuật số ngừa Covid-19 của Bill Gates có thể xâm phạm tự do cá nhân
Trái: Tỷ phú Bill Gates (ảnh chụp màn hình Youtube/TED), Phải: Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Bar (ảnh chụp màn hình Youtube/Washington Post).
Tỷ phú Bill Gates gần đây có đề xuất áp dụng một loại hình công nghệ giám sát người dân để xem ai bị nhiễm Covid-19, ai đã phát triển được miễn dịch với nó, và khi vắc-xin được sản xuất, thì ai đã được tiêm chủng. Khi được hỏi ý kiến về đề xuất này, Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ William Barr đã bày tỏ mối lo ngại về khả năng mà theo đó quyền tự do và riêng tư của công dân Mỹ sẽ bị xói mòn và xâm phạm trong đại dịch.
ID2020 là dự án nhận dạng kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain được sự hậu thuẫn và tài trợ của tập đoàn Microsoft. Dự án này nhằm mục đích cung cấp thông tin pháp lý cho 1,1 tỷ người dân trên toàn thế giới mà không cần giấy tờ tùy thân. Hiểu một cách đơn giản, một trong những công cụ nhận dạng kỹ thuật số được nói tới có thể một con chip có mã số cấy dưới da, một dạng vi mạch nhận dạng kỹ thuật số (digital ID microchip) cấy vào cơ thể người, theo Người Đưa Tin.
Trên đài truyền hình Fox News, trong cuộc trao đổi độc quyền với Bộ trưởng Tư pháp William Bar, người dẫn chương trình Laura Ingraham đề cập, “Tỷ phú Bill Gate và Quỹ Gates của ông ấy ủng hộ việc phát triển các công cụ nhận dạng kỹ thuật số, có khả năng xác nhận liệu rằng các cá nhân – các công dân Mỹ – có khả năng miễn dịch với Covid-19 và các virus tiềm năng khác hay không”.
The BL cho hay, một số người lo ngại đây là “những phương pháp giám sát & theo dõi”, sau khi đề cập đến câu trả lời được ông Gates đưa ra trên mục “Reddit Hãy hỏi tôi bất cứ điều gì (Reddit Ask me Anything)” vào ngày 18/3, liên quan đến việc giám sát người nhiễm virus.
“Một công cụ nhận dạng kỹ thuật số sẽ cho thấy ai đã hồi phục từ Covid-19 hoặc ai đã được xét nghiệm gần đây, hoặc khi chúng ta có vắc-xin – thì người này đã được tiêm chủng hay chưa”, nữ dẫn chương trình Laura trích lời ông Gates.
Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Barr cho biết chính phủ có thể áp dụng các biện pháp phong tỏa hà khắc trong đại dịch, hạn chế các hoạt động giúp làm chậm tốc độ lây nhiễm của Covid-19, khi các biện pháp hà khắc được lên kế hoạch dỡ bỏ vào cuối tháng 4, yêu cầu giãn cách xã hội và các biện pháp thay thế khác sẽ cần phải được xem xét thực thi để đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng cùng lúc cũng phải cân bằng được quyền tự do dân sự.
Bộ trưởng Barr nhận định, đại dịch này không thể được dùng như một cái cớ “để tước đoạt quyền tự do và riêng tư của người dân trên diện rộng”.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr (ảnh chụp màn hình Youtube/Fox News).
Ông Barr cũng bày tỏ quan ngại trước ý tưởng của ông Gates từ quan điểm tự do dân sự, khi đề cập đến “hiệu ứng domino của việc này, bởi nó có thể dẫn đến việc xâm lấn hơn nữa các quyền tự do cá nhân”.
“Tôi có hơi chút lo lắng về điều này, về việc giám sát người dân nói chung [bằng loại công nghệ này], đặc biệt là trong một khoảng thời gian dài”, ông nói.