Một Chút Hương Xưa Của Sài Gòn Cũ Ở Miền Bắc Virginia


      Truyen-Mot Chut Huong Xua- 012619

Một Chút Hương Xưa Của Sài Gòn Cũ Ở Miền Bắc Virginia

Nguyễn Đông Thái- January 12, 2019

Hôm trước tôi đi gặp gỡ với vài anh em cùng học trung học trong một hiệu ăn Buffet mới mở trên đường Leesburg Pike gần khu người Việt Eden. Và nhớ rằng hiệu này đã qua khá nhiều lần đổi chủ, và không biết nó sẽ tồn tại bao lâu tại nơi này. Trong cái hoài cảm “Thương hải biến vi tang điền”, ông sư huynh Mai Vàng, một trong những người thành lập chương trình truyền hình Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Thịnh Đốn, kể lại những ngày khởi đầu của khu Eden là khu đất trống với hai hiệu 7-11 và Grand Union Supermarket.

Tôi gần đây mới dời về gần khu thương mại lớn nhất của người Việt ở miền đông Hoa kỳ này. Nhưng đã biết nó từ lâu, vì dù được cơ quan cho làm việc ở nhà từ những tiểu bang khác, tôi mỗi khi về trình diện trung ương của cơ quan thường ghé lại đây tìm chút không khí của người Việt mình.

Lần đầu, tôi đến nơi này vào mùa đông năm 1981. Sau khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng tư năm 1975, một số người Việt đã đến định cư tại thủ đô Mỹ. Đa số là các viên chức chính phủ và sĩ quan quân đội- và họ thường làm việc hành chánh của các sở trong những ngày mới “cắm dùi” nơi xứ lạ. Vào các tiệm ăn Việt lúc đó, ít thấy ai mặc quần Jean, còn mình là sinh viên quần áo bê bối khó nhìn. Ngày trước khu Little Saigon nằm quanh Clarendon Metro Station, với những hiệu ăn như Queen Bee, Nam Việt cùng những hiệu tạp hóa khác… Cũng vì cái tiện lợi của hệ thống xe điện ngầm, khu này trở thành sầm uất, với những cao ốc sang trọng mọc lên, đường xá ngày càng đẹp đẽ mất đi những ổ gà; và dân Việt lại phải “di chuyển chiến lược” ra nơi khác. Bây giờ chỉ còn hiệu Nam Việt “cố thủ” trong khu Little Saigon cũ này.

Theo lời anh Mai Vàng, khu Eden Ngã Bảy được thành lập với một Ban Quản Trị với người đứng đầu là bác sĩ Trần Minh Tùng- một thời làm bộ trưởng bộ Y tế của Việt Nam Cộng Hòa. Rồi khu này phát triển mạnh mẽ sau khi được một ông già gốc Do Thái mua lại. Mãnh đất này lúc trước không được an toàn lắm. Có tôi lần rủ một đồng nghiệp lớn tuổi cũng gốc Do Thái lớn lên ở Virginia lại đây ăn trưa, cô ta ngại lắm, bảo lúc về không biết còn xe đậu bên ngoài không vì danh tiếng cũ của khu này! Đến nơi cô ta đồng ý: Ừ, sau mấy mươi năm nó khác xa rồi…

Lại Eden, tôi thường ghé vào hiệu phở Xe Lửa. Thấy có các sư huynh Quốc Thông, Lãng Minh…, và Giáo sư Thái Văn Khôi, vị thủ khoa ra trường đại học sư phạm ban Việt Văn ngày xưa. Sư phụ rất được đám học trò chúng tôi yêu mến mỗi khi ông vào lớp giảng bài. Ngày đầu ông bỏ hai tay vào túi quần đi đi lại lại trong lớp tự giới thiệu: “Ta là James Dean Thái Văn Khôi, có ngoại hiệu là Thối Văn Khai!” Sư phụ ngồi xuống bàn ăn thì luôn gọi: Cho tôi tô lớn, nhiều thịt, nhiều bánh nhé… Sư phụ gặp tôi mừng lắm vì tôi là người học trò đạt cái kỷ lục luôn luôn đứng … chót lớp trong mọi kỳ thi khi học với ông, nghĩa là còn… thối và khai hơn ông. Sư phụ đọc tên học trò từ người được điểm cao nhất đến cuối thì quát: “Bố mà cứ làm bài văn như thế này thì lũ thầy giáo chúng con hết biết đường chấm điểm Bố ạ; Bố quên rằng Bố chỉ đang học ở trung học nhé!” Và sư phụ đọc bài văn của tôi cho cả lớp nghe chứ không đọc bài của anh bạn được điểm cao nhất. Các sư huynh chung trường cũ từ Calif qua cũng hay ghé lại đây gọi phở ăn cùng thầy, cùng đi tìm lại về “những ngày xưa thân ái” của thời kỳ đứng sau “nhất quỷ nhì ma”.

Chủ tiệm Phở Xe Lửa là ông Toàn, cựu luật sư tòa thượng thẩm Sài Gòn, luôn luôn túc trực từ sớm. Ông chẳng buồn đi đâu, nhưng giới văn nghệ sĩ hay dân hoạt động chính trị cứ lại tán chuyện với nhau và cùng ông. Ngay cả ông Lê Thiệp, người thành lập nhóm tiệm Phở 75, cũng thỉnh thoảng thấy ghé lại đây. Ông Thiệp, trước làm trong tòa báo Khánh Chiến của Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh, có lẽ học nghề từ các hiệu Phở Hòa của nhóm Kháng chiến. Ở miền Bắc Calif, tôi thấy cũng xuất hiện một số hiệu phở rất thành công mà các chủ nhân trước làm việc cho phở Hòa như Phở Ý, Phở Bác Lý, Phở Tô Châu… Một lần vui vẻ trò chuyện cùng ông Thiệp, một thời gian sau thì nhận tin ông mất vì ung thư. Nghe kể ông dùng cả bài thuốc trị ung thư với đu đủ và xả của ông nhà thơ Trần Đăng Khoa ở Việt Nam. Giời ạ, khi các nhà thơ trở thành bác sĩ trị nan bệnh! Còn ông chủ tiệm Toàn giờ già yếu bệnh hoạn, nghe kể đang nằm trong một viện dưỡng lão. Buồn… Một địa điểm tụ họp văn nghệ xưa với rất nhiều tranh của các nghệ sĩ treo trên tường đã đi vào quá vãng. Và Sư phụ Khôi cũng đã quay về Việt Nam trong những ngày cuối đời …

Cùng mở cửa mỗi sáng lúc 8 giờ như Phở Xe Lửa là hiệu bánh Hương Bình. Bác chủ hiệu luôn luôn vui tính, mừng rỡ hỏi chuyện gia đình tôi và kể chuyện gia đình bác. Khổ một cái là mỗi lần gặp bác, mua vài thứ lặt vặt, bác lại thường tặng thêm quà giá gấp đôi gấp ba các món mình mua. Mấy năm nay bác già yếu, chỉ để con cháu trông coi. Một tuần trước ghé ngang qua, thấy bác trong hiệu nên bước vào chào. Chu choa, lâu quá không thấy anh, chị còn giảng dạy trong bệnh viện chứ, con gái của anh lớn đến đâu rồi hử? (Và bác lại dúi vào tay một gói quà lớn…) Tôi thưa với bác là có nghe trên đài radio WAMU rất phổ biến vùng thủ đô chương trình Kojo Nnamdi phỏng vấn anh con trai bác về khu Eden. Bác vui vẻ: Đúng rồi anh, Radio có lại đây phỏng vấn, anh có nghe à… Còn Hùng giờ đang ở Hồng Kông đó anh… (Hùng là một anh con trai của bác, trước làm nghiên cứu cho quân đội, một đôi lần cuối tuần khi tôi không về Calif có tham gia dạy lớp Việt ngữ với Hùng ở Virginia. Sau Hùng xuất gia, sang Làng Hồng…) Tôi cầu mong bác vẫn mạnh khỏe, vẫn còn nghe được giọng nói đầy lạc quan yêu đời của ông cụ này…

Một vài hiệu có mặt tại khu Eden từ lúc đầu, như Hương Việt hay Cà Phê Vy, vẫn còn đó. Bánh cuốn Thăng Long vẫn hiện diên. Một lần một số anh em trong nhóm Viet-Net cũ, cộng đồng Internet đầu tiên của người Việt xuất hiện từ cuối thập niên 1980, qua đây chơi, chúng tôi gặp gỡ tại nơi này, có cả vợ chồng Nguyễn Đình Thắng của Boat People SOS lại tham dự. Ở đây có món bún ốc nhiều người thích. Một chị bạn cho biết chủ nhân trước cùng học Luật với chị ở Sài Gòn. Nhưng bây giờ quán này hình như đã đổi chủ, không khí ngày xưa đã mất. Cả quán Chợ Cũ, lúc trước tôi lại mua thịt quay, thường gợi lại những hình ảnh cũ của các quán “mì gia” trong khu Chợ Lớn năm xưa cũng vừa mất dạng. Tiệm bán sách báo gần đó đã đóng cửa từ lâu… Tiệm Nha Trang giờ có chủ hiệu là người cũng vùng biển, nhưng ở tận sát biên giới với Cao Miên: Họ cho biết là người từ Kiên Giang.

Tôi nghe kể giá thuê đất tại Eden giờ rất đắt đỏ, nhiều hiệu phải rất chật vật với chi phí này. Hiệu ăn lớn nhất một thời là Viet Royal, trở thành nhỏ hơn, rồi thầm lặng tháo bảng hiệu. Nhưng một số hiệu rất thành công. Như hiệu đậu hủ Thanh Sơn, xem ra còn đông khách hơn hiệu nguyên thủy ở miền nam California. Hay hiệu ăn Rice Paper, sau khi được tờ Washington Post khen ngợi, trở nên rất phổ biến với khách hàng da trắng…

Nhắc đến tờ báo này, tôi chợt thấy buồn buồn nghĩ về một hiệu ăn khác: Quán Minh gần khu Little Saigon cũ ở Clarendon. Minh là một quán phục vụ các món cổ truyền miền bắc rất nổi tiếng ở Milpitas, California. Đặc biệt là món chả cá thì hương vị hơn xa quán Lã Vọng danh tiếng ở Hà Nội. Quán này do các anh em chung nhau mở ra- trong đó có người tên Minh- với người ngồi thu tiền là bác Hùng Sùi, cha của họ. Bác hay trách tôi: “Cậu gọi món chả cá mà không dùng mắm tôm thì mất 50 phần trăm của món cá của tôi rồi.” Tôi thưa: “Dạ, cháu sợ mắm lắm; nếu dùng nó thì e rằng mất cả 50 phần trăm còn lại, bác ạ!” Một ngày nào đó thấy Quán Minh dựng hiệu thay cho một quán ăn Tàu ở Clarendon. Vào hiệu, gặp vợ chồng người anh cả là Ánh. Anh Ánh than với tôi: “Stock hãng tôi làm giờ chỉ còn là vài xu sau vụ Dot Com bị bể! Thôi qua đây thử thời vận.” Quán này rất trang nhã lịch sự. Tôi có mời những người bạn chung sở lại đây, họ đều rất thích. Có người lại khoái tỉ cầm chén mắm tôm húp xùm xụp… Và tờ Washington Post có bài khen ngợi. Quán nổi tiếng như cồn. Một lần từ xa về công tác trong sở xong, ghé lại. Ngạc nhiên là quán trống vắng quá. Chủ quán Ánh buồn rầu, than: “Tôi bị bể cũng vì bài báo đó. Khách hàng đến quá đông đảo mà mình trở tay không kịp, không mướn kịp người làm bếp và phục vụ…” Giờ quán Minh không còn ở Virginia. Và quán chính ở California cũng bị chủ đất không ký thêm gia hạn hợp đồng. Phải đóng cửa …

Vâng, chuyện hợp tan, tan hợp là lẽ thường ở mọi nơi. Thôi thì nhớ đến chút hương vị xưa quện cái không khí cũ cũng đủ ấm lòng … Cứ nhủ lòng như thế đi …