Trả lại Sự Thật cho Miền Nam Việt Nam!
Đối với George J. Veith, sau tác phẩm “Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-75” (“Tháng Tư Đen: Những Ngày Tháng Cuối Cùng Của Miền Nam Việt Nam, 1973-1975“), con đường vẫn còn phía trước!
Ông thấy rất nhiều điều về Việt Nam Cộng Hòa cần được làm sáng tỏ. Những điều về kinh tế, chính trị, xã hội… của Miền Nam chưa từng được nhắc tới. Nỗ lực “Tay Súng-Tay Cày” hay tinh thần quốc gia của người Miền Nam cũng chưa từng được nhắc tới.
Tám năm tiếp nối, Jay lại miệt mài tìm hiểu. Có một thời gian, ông phải bỏ việc làm chính để toàn tâm nghiên cứu. Kết quả, năm 2020, ông hoàn tất một tác phẩm mới, một nỗ lực “Trả lại Sự Thật cho Miền Nam“, tác phẩm có tên:
Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams
(Tạm dịch: Đấu Kiếm Nơi Vùng Đất Xa: Những Ước Mơ Tan Vỡ Của Miền Nam Việt Nam)
Một quan điểm thâm căn cố đế: “Hà Nội được ban cho chủ nghĩa dân tộc, còn Sài Gòn được định là phải thua.” Và sự sụp đổ thảm hại của Miền Nam tháng Tư 1975 dường như chứng minh quan điểm trên là đúng và, do đó, chẳng có gì cần bàn cãi thêm.
Thế nhưng, Miền Nam Việt Nam có riêng câu chuyện của họ nhưng lại bị bỏ qua. Đó là câu chuyện của Những Ước Mơ, như tâm sự của một người Miền Nam: “Chúng tôi có rất nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập, và ước mơ ấm no cho toàn dân. Còn Cộng Sản thì chỉ có độc nhất một mong muốn, đó là dành lấy chiến thắng bằng mọi giá.”
Kết quả, mặc dù chiến đấu kiên cường bất khuất, Việt Nam Cộng Hòa đã thua trận trước khi quốc gia non trẻ này hoàn thành việc phát triển nền tự do-dân chủ mà họ mong muốn.
Giờ đây, lịch sử phải xem xét lại những con người ấy với một cách nhìn công chính hơn.
***
Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams
Sách tiếng Anh, bìa cứng, 660 trang.
Được bán trên trang Amazon.com – Xin bấm vào đây.
***
Mời xem 4 tác phẩm biên khảo của George J. Veith về Chiến Tranh Việt Nam
trên trang điện tử:
Chương : GIỚI THIỆU
(Trích Đoạn)
Chủ điểm của sách là nghiên cứu những nỗ lực của Nam Việt Nam dù đã hết sức gian khổ để có một nền độc lập nhưng cuối cùng vẫn thất bại.
Sách chú trọng vào cuộc chiến bảo vệ nông thôn, những âm mưu và khúc quanh chính trị, nỗ lực xây dựng đoàn kết dân tộc và phát triển một Miền Nam Việt Nam với các mối quan hệ xã hội, dân tộc, tôn giáo phức tạp.
Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa cho tới nay vẫn bị cho là kém cỏi, nhưng sự thực nền kinh tế ấy đã có những ảnh hưởng to lớn nhờ tạo ra được sự bình đẳng.
Đa số học giả thường không xét đến vai trò chủ chốt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sau năm 1969 trong nỗ lực đem lại hòa bình và chiến thắng cuộc bầu cử để chống cộng sản.
***
Câu chuyện rất đơn giản: “Hà Nội được ban cho chủ nghĩa dân tộc, còn Sài Gòn được định là phải thua.” Và sự sụp đổ thảm hại của Miền Nam tháng Tư 1975 dường như chứng minh cách nhìn trên là đúng và, do đó, chẳng có gì cần bàn cãi thêm nữa.
Thế nhưng, Miền Nam Việt Nam có riêng câu chuyện của họ nhưng lại bị bỏ qua. Đó là câu chuyện của Những Ước Mơ, như một người bạn Việt Nam nói với tôi: “Chúng tôi có rất nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập, và ước mơ ấm no cho toàn dân. Còn Cộng Sản thì chỉ có độc nhất một mong muốn, đó là dành lấy chiến thắng bằng mọi giá.”
Cuốn sách này sẽ cho thấy Miền Nam Việt Nam không hề là sản phẩm do Mỹ tạo ra, và nền Đệ Nhị Cộng Hòa cũng không là một chế độ chuyên chế như Đệ Nhất Cộng Hòa. Như chúng ta sẽ thấy, Tổng Thống Thiệu và chính phủ của ông đã có những nỗ lực đáng kể để xây dựng một nhà nước dân chủ hiện đại nhằm giảm bớt tình trạng nghèo đói lâu đời. Nỗ lực ấy là cả một quá trình chưa bao giờ được công nhận.
Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn ấy, họ phải vượt qua di sản suy tàn của chế độ thực dân Pháp cùng với những vấn đề điển hình vốn có trong quá trình xây dựng đất nước: thiếu đoàn kết dân tộc, xung đột quân-dân, thể chế chính trị chưa phát triển, và nhiều vấn đề khác nữa. Tệ hơn thế, họ còn phải đối mặt với những khó khăn ấy khi sát nách là một kẻ thù không đội trời chung.
Ở các quốc gia mới thành lập, dành được chính danh là điều bắt buộc nên những người Quốc Gia phải đối mặt với một câu hỏi dai dẳng: “Làm thế nào một nền dân chủ non trẻ và một xã hội cởi mở có thể đánh bại một kẻ thù độc tài, giỏi xâm nhập, giỏi thao túng tâm lý và chính trị, lại thạo thuật thâm nhập tình báo? Quan trọng không kém, liệu Miền Nam Việt Nam có thể tự mình tồn tại trước mối đe dọa của cộng sản hay không?”
Để trả lời cần phải có sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự cố gắng của những người theo chủ nghĩa Quốc Gia trong nỗ lực tạo dựng một nhà nước vững vàng, như nhà sử học quân sự lỗi lạc Michael Howard đã lập luận, “Nếu tách rời việc tiến hành chiến tranh khỏi môi trường mà nó đã xảy ra — xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế — là bỏ qua những khía cạnh cần thiết để hiểu rõ về cuộc chiến.”
Cuốn sách này sẽ xem xét về xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế ấy. Việc Miền Nam Việt Nam bị đánh bại không có nghĩa là họ không đạt được tính chính danh. Tôi cho rằng họ đã đạt được điều ấy, nhưng Miền Nam cũng phải chịu đựng những nỗi đau to lớn như các quốc gia mới thành lập khác, đặc biệt là những quốc gia phải chịu đựng những năm dài chiến tranh khốc liệt. Nói một cách rốt ráo, Nam Việt Nam không thể cùng một lúc vừa xây dựng, vừa chiến đấu.
Cần nhớ rằng nền dân chủ phải được xây dựng một cách liên tục, đặc biệt đối với một quốc gia non trẻ đang cố gắng tìm chỗ đứng trong một cuộc chiến khó khăn. Hoa Kỳ cũng từng có những khiếm khuyết về luật pháp giữa các giá trị đặt ra và thực tế thi hành trong thời kỳ khủng hoảng.
Đạo luật Ngoại Kiều Và Chống Nổi Loạn năm 1798, thời Tổng Thống John Adams, cho phép trục xuất, phạt tiền hoặc bỏ tù bất kỳ ai bị coi là mối đe dọa hoặc những ai xuất bản “những bài viết sai sự thật, gây tai tiếng hoặc có ác ý” nhằm chống lại Hoa Kỳ. Trong cuộc Nội Chiến, Tổng Thống Abraham Lincoln đã đình chỉ phần lớn những điều trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền, bao gồm quyền tự do ngôn luận và luật phải có trát tòa khi bắt giữ. Ngoài ra, sau vụ khủng bố 11 Tháng 9, các nước đã có nền dân chủ hoàn chỉnh vẫn thông qua một số luật lệ khiến nhiều người theo chủ nghĩa tự do dân sự phải nhíu mày.
Vì ngay cả những quốc gia trưởng thành cũng phải hiệu chỉnh lại trong những thời kỳ khó khăn, nên Nam Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi người Pháp từ chối đưa các thể chế dân chủ vào những thuộc địa Đông Dương, các khái niệm như “tự do ngôn luận” và “đối lập trung thành” chỉ có một chỗ đứng nhỏ ở Miền Nam, một nơi có những trải nghiệm lịch sử rất khác với chúng ta.
Giống như các quốc gia tân tiến khác nổi lên từ chế độ thực dân, trước tiên, Việt Nam Cộng Hòa phải soạn thảo hiến pháp để thể hiện ý định chính trị của mình. Hiến pháp xác định bộ máy nhà nước – cơ quan lập pháp, tòa án và hệ thống an ninh quốc gia – và bộ máy ấy được tạo ra giữa bối cảnh các lợi ích xã hội và tôn giáo đang cạnh tranh gay gắt.
Điều này đưa chúng ta đến với người đàn ông bí ẩn sẽ có mặt trong những trang sách này – cựu Tổng Thống Miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu.
Vì sự nghiệp của ông trải dài cùng với tuổi thọ của đất nước nên qua đó ta có được phương tiện rất tốt để xem xét sự thăng trầm của Miền Nam Việt Nam.
Cuốn sách này không là tiểu sử Nguyễn Văn Thiệu mà chỉ xác định rằng ông Thiệu đã đóng vai trò trung tâm trong nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Mặc dù ông có lẽ là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong thế kỷ hai mươi nhưng lại ít được phân tích nhất.
Trong hầu hết các ấn phẩm của Hoa Kỳ, ông Thiệu xuất hiện như một tay chơi cò con trong toàn bộ canh bạc lớn của Mỹ, hoặc phổ biến hơn là một nhà độc tài quân phiệt có các chính sách đàn áp người dân nên đã trực tiếp dẫn đến đất nước sụp đổ. Hơn nữa, những phân tích hạn hẹp về ông Thiệu thường bị giới hạn trong các sự kiện như các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp Định Hòa Bình Paris.
Đối với người đàn ông đã ở ngay trong tâm bão Việt Nam từ khi bắt đầu thực hiện vai trò chiến đấu của Hoa Kỳ cho đến chung cuộc của Miền Nam, việc bỏ qua quá trình làm tổng thống của ông Thiệu đã để lại một lỗ hổng trong lịch sử chiến tranh.