Nam Anh diễn đọc:
Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 400
Từ 30.4.1975 tới 30.4.2020
Đã 45 năm qua, từ ngày 30.4.1975, “chúng ta”, những người tị nạn cộng sản ở hải ngoại, hay tự nhận là chống cộng, hay “người Quốc gia”, vẫn không quên cái ngày đen tối ấy.
Hàng năm, tới ngày đen tối ấy, được gọi là Tháng Tư Đen, hay Ngày Quốc Hận, chúng ta đều làm lễ tưởng niệm, viết bài, làm thơ, đặt nhạc, vẽ tranh … nói lên niềm uất hận, đỗi đau buồn, hoài niệm một thời thái bình an lạc không còn nữa, hay để “Tôn Vinh Cuộc Chiến Đấu Thần Thánh của Quân Lực VNCH”, như nhan đề một cuốn sách của Luật sư kiêm Bình luận gia Phạm Kim Vinh.
Chúng ta gần như hoàn toàn bỏ quên những người “vợ lính”, trong khi chính những người phụ nữ được gọi một cách thiếu kính trọng ấy là những người chịu nhiều hy sinh nhất, nhiều đau khổ nhất, nhiều mất mát nhất trong cuộc phân tranh khốc liệt kéo dài suốt hai thập niên trên mảnh đất miền Nam mà ngày nay cả hai miền Nam Bắc đang biến thành thuộc địa của Trung cộng, đúng như lời tự thú của Lê Duẩn, tổng bí thư đảng CSVN: “Ta đánh đây là đánh cho Liên-Xô, cho Trung Quốc”.
Vậy thì còn tương lai nào cho Việt Nam, 45 năm sau “Ngày Quốc Hận”? Năm nay vì cơn dịch COVID-19 do Trung cộng gây ra đang làm chao đảo cả thế giới nên không có lễ tưởng niệm, nhưng trên mạng đã có nhiều bài viết về Tháng Tư Đen, trong đó có một bài đặc biệt viết về “vợ lính”. Đúng ra, đây là tự truyện của người vợ cố Thiếu Tá Hồ Đăng Nhựt, qua ngòi bút của bà Lưu Trùng Dương. Bài viết khá dài, xin trích đăng lại một phần dưới đây:
Chồng tôi là một sĩ quan trưởng toán Delta của đơn vị, tôi yêu anh ngoài cái vóc dáng phong sương, thêm vào hình ảnh hiên ngang, oai hùng của nét trai thời đại. Có địa danh nào thiếu dấu chân anh? Từ vùng đất Lào vi vu gió tanh mưa máu, Pleime gió núi mưa rừng, Đồng Xoài, Bình Giả… máu đổ thịt rơi. Tận đỉnh gió rét mưa phùn của đất Bắc hiểm nghèo chập chùng bất trắc, hiểm họa rình rập theo những bước chân xâm nhập, nỗi chết toa rập cùng sương lam chướng khí chực chờ.
Nha Trang, quê hương có rặng thuỳ dương và bờ cát trắng, đơn vị chồng tôi được đồn trú tại đó vào năm 1964. Căn cứ trưởng là ông đại úy Nguyễn Văn Khách, vị sĩ quan này đã thành lập 5 toán nhảy, mỗi toán không hơn 6 người do một sĩ quan Việt và hai cố vấn Mỹ đảm trách… Cho đến bây giờ, dù trải qua bao dâu bể vẫn không thể xói mòn tâm trí tôi, tôi vẫn còn nhớ cảnh một trận lụt lớn ngập cả thành phố, và cả trại Hoàng Diệu căn cứ của Mỹ cũng như trại Đằng Vân của LLĐB.
EM HỎI ANH BAO GIỜ TRỞ LẠI ?
Đến năm 1965, ở Vũng Tàu có một trận chiến rất lớn đó là trận Bình Giả. Lúc này các toán trưởng chuẩn bị theo các trực thăng để thi hành công tác xâm nhập, ngăn chận những nơi Cộng quân di chuyển, tôi chỉ biết có thế thôi. Làm sao tôi có thể vui được, có thể an lòng được trong tâm trạng nỗi lòng chinh phụ dõi bóng chinh phu. Cứ mỗi lần chàng chuẩn bị đi vào “miền gió cát”, nhảy vào giữa lòng đất địch là mỗi lần tôi xót xa thầm hỏi: bao giờ chàng trở lại? Ai có từng là vợ của chiến binh mới thông cảm nỗi lo âu, niềm đau đợi chờ, sự cô đơn từng phút của người vợ lính trong thời chiến chinh. Ôi, Đồng Xoài, Bình Giả… đất bằng sẽ phong ba, khói lửa ngút ngàn và chồng tôi sẽ đi vào chốn ấy. Tôi thắt thỏm, tôi héo hon theo từng bước anh đi, tôi đợi anh về mà lòng tơi bời vụn nát….sợ anh về trên đôi nạng gỗ, tôi nghẹn ngào nghĩ đến ngày anh trở về “bên hòm gỗ cài hoa…” chỉ nghĩ thế thôi mà nước mắt tôi lặng lẽ lăn dài. Tôi rời Nha Trang, tạm biệt chàng, tạm biệt những ngọn thùy dương rì rào những đêm tựa đầu nhau nghe sóng biển ngoài khơi, mang theo kỷ niệm những năm tháng bên chồng trở về gia đình tôi tại Sàigòn.
Sài gòn không có biển, không có thùy dương cát trắng, tôi cảm thấy bồi hồi nôn nao nhớ, bâng khuâng và nuối tiếc những ngày nồng nàn phấn hương đã vội qua…. “Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi”, Sài gòn vẫn nhộn nhịp bao tà áo, từ quán cà phê Continental giọng hát trầm ấm, truyền cảm của Sĩ Phú vọng ra “nắng Sài gòn em đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Trời ơi, tôi còn tâm trí nào để chìm đắm trong những giòng âm thanh đó, tôi vội bước nhanh để xa rời tiếng hát như muốn rượt đuổi theo. Một sự tương phản đầy ray rứt như diễu cợt, cách vài mươi cây số đường chim bay, súng nổ đạn bay, thây người ngã qụy. Khuôn mặt diễm lệ Sài gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, mà đối với tôi, nó như những loại trang sức diêm dúa trên thân xác loang lổ đạn bom, trên hình hài còm cõi của Mẹ Việt Nam. Tôi làm gì có áo lụa Hà Đông để mặc, nỗi ước mơ đó đối với tôi là vô nghiã, tôi chỉ cần có chàng, tha thiết bên chàng mà thôi. Nhất định anh phải trở về và về nguyên vẹn hình hài nha anh, nha Hồ Đăng Nhựt dấu yêu của em!
Chồng tôi từ hậu cứ Nha Trang về Vũng Tàu để chuẩn bị hành quân. Buổi chiều, nhận được tin của người anh gọi tôi ra để gặp chàng. Năm đó tôi mang thai đứa con đầu lòng được ba tháng, đến cổng trại vào lúc 6 giờ chiều, tôi đã gặp thiếu tá Thơm, đại úy Mai Viết Triết và đại úy Xuân đang đứng trước trại. Tôi hỏi xin cho gặp chàng, các ông ấy nói: thím đã đến trễ mất rồi, Nhựt mới vừa từ giã chúng tôi bước ra bãi phi cơ trực thăng. Từ trong vô thức não nùng chợt ùa về loáng thoáng bên tai những vần thơ Cung Oán Chinh Phụ: “bóng chàng đỏ tợ ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”. Cũng một buổi chiều chiến chinh năm xưa, người chinh phụ tiễn đưa chinh phu lên đường ra trận mạc, con tuấn mã trắng phau như màu tuyết hí vang lừng, cất vó uy nghi nổi bật bên giáp trận rực đỏ như màu ráng cuối trời quan tái. Tôi, hôm nay đơn lẻ, nước mắt đoanh tròng, đứng nhìn theo từng chiếc trực thăng từ từ cất cánh, tiếng động cơ ầm đùng, gió bụi xoáy cả một vùng, tâm tư tôi rối bời như cỏ úa, loạn cuồng theo từng vòng quay cánh quạt, lòng quặn thắt từng cơn nhìn đàn chim sắt khuất dần về hướng đông bắc Bình Giả trong màu tím thẳm của sương khói hoàng hôn mờ nhân ảnh… Bình Giả, một địa danh đang sôi sục lửa chiến tranh, thần chết đang đợi chờ, chốc nữa đây chàng sẽ hiện diện nơi đó. Trận đánh này có nhiều đơn vị bộ binh, kể cả tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Cuộc giao tranh đã quyết liệt diễn ra, tiếng bom đạn vọng về.
Cộng quân tổn thất nặng nề, nhiều chiến sĩ quốc gia cũng đã hy sinh. Những toán hoạt động của chồng tôi đã bị lộ, nên anh đã băng rừng vượt suối mấy ngày đêm liên tục mới ra được núi Thị Vãi tại Bà Rịa. Chàng đã nguyên vẹn trở về, cám ơn Thượng Đế che chở cho chàng, chúng tôi bên nhau những ngày phép ngắn ngủi tại Sài gòn.
Đến năm 1966, các anh toán trưởng cũng lần lượt mỗi người một nơi, riêng chồng tôi vẫn ở lại đơn vị cũ. Lúc bấy giờ Chỉ Huy Trưởng trại Đằng Vân là Phan Duy Tất, ông này về không bao lâu lại thành lập thêm mấy toán nữa. Tôi nhớ những toán trưởng rất trẻ là: Ngô Văn Thơm, Tô Mười, Nguyễn Ngọc Thiệp, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Văn Biên, v.v… các toán trưởng lần lượt thay phiên nhau đi hết cuộc hành quân này đến cuộc hành quân khác. Các địa danh đẫm máu như Phú Bài, Bồng Sơn, Chu Lai, Khe Sanh, Huế, …. cường độ chiến tranh leo thang, tiếp theo là Pleime, trận chiến này, các đội và trưởng toán đã hy sinh rất nhiều.. Trong cảnh đạn lửa trùng điệp, nhiều phi công trực thăng của không lực VNCH, khi thấy đồng đội bên dưới bị nguy khốn đã bất chấp mạng sống, liều thân trong các phi vụ đổ quân và tiếp tế lương thực. Nhiều chiếc đã bị bắn rơi tan tành, lửa bốc cháy ngút trời. Lúc đó có trung úy phi công trực thăng Nguyễn Văn Vui, liều một phen sinh tử đem mạch sống cho đồng đội bằng những thùng lương thực. Từ trên cao trung úy Vui thình lình “cúp” máy cho phi cơ rơi xuống như khối sắt và quay 180 độ, gần đến mặt đất cho trực thăng nổ máy lại, thán phục thay người phi công dũng cảm của QLVNCH.
Đầu năm 1967, tôi lại mang thêm đứa thứ hai mới sanh gần một tháng. Vợ của anh Nguyễn Ngọc Thiệp cùng sanh một lượt, cô này là em chồng của tôi. Lúc này chồng tôi đang hành quân tại Vùng 2 Chiến Thuật sắp về. Tôi được tin từ Sài gòn và ra hậu cứ đón chồng, thường khi mỗi lần xong công tác là anh được đi phép. Trong lúc chờ phi cơ trở về Sàigòn, anh Nguyễn Ngọc Thiệp bị tử nạn do thùng tiếp tế lương thực từ trực thăng Mỹ rớt xuống, cái chết của anh Thiệp rất thảm thương. Ôi, chinh chiến bất hạnh từng ngày đến với dân tộc Việt Nam, đứa con của anh Thiệp mới chào đời còn đỏ hỏn đã vĩnh viễn không thấy mặt cha và vành khăn sô oan nghiệt vội quấn trên đầu người vợ trẻ. Hôm sau chồng tôi đưa xác Thiệp -người em rể – trở về Sàigòn an táng. Những ngày phép qua mau trong sự buồn bã, mất mát của người thân. Anh trở lại đơn vị, tôi lại theo chàng về Nha Trang sau 3 tháng sanh nở.
Năm Mậu Thân 1968, tôi trở về Sài gòn và đứa con thứ ba đã chào đời. Việt Cộng đột nhập và tấn công thành phố Sài gòn, khắp các tỉnh lỵ đều nổ súng. Trong trận Mậu Thân, chồng tôi lại mất thêm một đồng đội, trung úy Nguyễn Văn Tùng đã tử trận tại Tòa Tỉnh Trưởng Nha Trang lúc hai bên kịch chiến. Nửa năm sau ông Phạm Duy Tất đã thuyên chuyển về Vùng 3 Chiến Thuật, chồng tôi đã phục vụ trong LLĐB từ năm 1962 đến năm 1968. Lúc này anh được lệnh thuyên chuyển về Vùng 3 Chiến Thuật nhận chức vụ Trung Tâm Hành Quân của C.3 tại Biên Hòa. Sau đó ông Chỉ Huy Trưởng là trung tá Phạm Duy Tất đưa anh nhận chức làm trưởng trại Chí Linh ở Sông Bé, được một thời gian anh đi qua trại Tống Lê Chân ở Bình Long và Lộc Ninh. Đến năm 1969 anh coi trại Tống Lê Chân, sau cùng anh về B.3 hành quân ở B.15 cho đến năm 1972.
Đến cuối 1972 LLĐB được lệnh giải tán để bổ xung qua các lực lượng bạn như: Biệt Động Quân Biên Phòng, Nha Kỹ Thuật và các quân binh chủng khác. Anh đã chọn về Sở Liên Lạc thuộc Phòng 7 Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu và làm việc tại đó cho đến cuối năm 1974.
Đầu năm 1975, anh được lệnh đi nắm Bộ Chỉ Huy nhẹ ở Chiến Đoàn 2 tại Ban Mê Thuột và Kontum. Lúc này tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, hỗn loạn, phương tiện di chuyển vô cùng khan hiếm và khó khăn. Hai ngày ròng rã chờ đợi tại phi trường Tân Sơn Nhất nhưng vẫn không có phi cơ, anh đành lên phi trường Biên Hòa và đã được lên đường sau đó. Khi đến trình diện tại Chiến Đoàn 2, mỗi sĩ quan phải thay phiên nhau hành quân 10 ngày. Đến ngày 20 tháng 3 năm 1975, thiếu tá Cao Triều Phát đã đem lương lên căn cứ hành quân để phát cho anh em. Ông thiếu tá Phát bảo chồng tôi, “mày” đã xong công tác rồi, có đi theo chuyến bay này về không? Anh không muốn xa đồng đội trong lúc này, nhất là lúc tình hình đang rối ren vì được lệnh sắp rút quân để di tản chiến thuật, hơn nữa các bạn anh đề nghị thôi chúng mình sẽ về chung cho vui. Vì vậy, anh đã nhờ thiếu tá Phát mang tiền lương về cho tôi, anh chỉ giữ lại 500 đồng để tiêu xài và nhắn là vài hôm sau anh sẽ về Sài gòn.
Trên đường rút quân “triệt thoái cao nguyên”, dọc theo quốc lộ, sự di chuyển rất hỗn tạp. Anh được lệnh thượng cấp dẫn quân đi tiên phong để mở đường, bảo vệ và đưa dân chúng về đồng bằng tránh khỏi nạn đao binh và cướp bóc. Sáng ngày 25 tháng 3, anh điện về gặp tôi và báo ngày mai sẽ gặp mẹ con tôi tại Sài gòn. Chỉ còn 24 giờ ngắn ngũi, tôi chờ đợi trong sự hồi hộp xen lẫn niềm vui cho cuộc tương phùng. Chiều cùng ngày, trên đường rút quân, anh cùng thiếu tá Hải và vài sĩ quan nữa trên xe, một trái đạn B.40 từ phiá Cộng quân mai phục bắn trúng ngay người tài xế cháy không còn xác, thiếu tá Hải văng ra khỏi xe bị cháy đen, riêng chồng tôi bị dập nát mặt nhìn không ra. Trong xe chết 3 người, còn lại 3 người đều bị thương không nguy hiểm đến tánh mạng.
Như thường lệ mổi sáng, từ khu cư xá gia binh của trại Nguyễn Cao Vĩ, trên chiếc Honda ra cổng đưa con đi đến trường, tôi đã thấy trung úy Thọ và thượng sĩ Sanh, hai người này chận tôi lại, đôi mắt ái ngại và ngập ngừng cho tôi biết hung tin: Xin chị bình tĩnh, tin chính xác báo cho biết đại úy Hồ Đăng Nhựt đã tử thương trên đường rút quân chiều hôm qua. Tôi như bị sét đánh, tim tôi như ngưng đập, trước mặt tôi cảnh vật bỗng tối sầm và đảo lộn, tai tôi ù lên những tiếng kêu quái dị, mặt đất bỗng nhiên nhấp nhô dậy sóng. Tôi rụng rời, tôi chao đão, tôi ngã qụy, chiếc xe Honda với đứa con tôi cũng đổ theo. Các anh em mang tôi vào bệnh xá, sau khi hồi phục tôi làm thủ tục đi nhận lãnh xác chồng.
” Ngày mai đi nhận xác chồng, ngày mai đi nhận xác anh, cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ “. Trời ơi, Hồ Đăng Nhựt ơi! Anh đã bỏ mẹ con em, anh đã bỏ lại bạn bè và đồng đội trong lúc đất nước đang hồi nghiệt ngã. Tôi cùng các anh em đi đến Nghiã Trang Quân Đội tại Biên Hòa, được một chú lính đưa tôi đi qua dãy hộc tủ chứa đựng tử thi và cuối cùng chúng tôi dừng lại. Dừng lại để chấp nhận một sự bẽ bàng, dừng lại để gói trọn một vụn vỡ đến tê dại toàn thân, nhận một kiếp đời góa phụ. Chiếc hộc tủ gói gọn hình hài của thiếu tá Hải và thân xác chồng tôi đang nằm bất động. Trời ơi ! “em không nhìn được xác chàng, anh lên lon giữa đôi hàng nến chong”, thi hài chồng tôi nằm trên chiếc băng ca, khuôn mặt đã bể nát, tôi chỉ nhận diện chàng qua tấm thẻ bài. Tấm thẻ bài này nó đã từng theo chàng qua những đoạn đường máu lửa, nó đã từng ấp ủ nhớ thương về người vợ bé nhỏ và đàn con dại mỗi khi dừng bước quân hành giữa lưng đồi của rừng khuya tịch mịch, cuối rặng sim bạt ngàn. Bây giờ “áo bào đã thay chiếu, anh về đất” yêu đương kia đã cùng anh chấp cánh bay tới một vùng trời miên viễn…
(ngưng trích)
Bản nhạc “Ngày mai đi nhận xác chồng” của Phạm Duy có lẽ là bản nhạc gây xúc động nhiều nhất tại miền Nam Việt Nam trong thời chiến đã được mượn lời từ bài thơ “Tưởng như còn người yêu” của Lê Thị Ý mà ít người được biết. Nhà thơ Lê Thị Ý định cư tại Vùng Hoa Thịnh Đốn từ nhiều năm nay, và chưa bao giờ… lập gia đình. Có lần hỏi chị lấy cảm hứng ở đâu để viết những câu thơ diễn tả tình cảm chân thành gây xúc động như vậy, và cũng không buồn phiền khi đứa con tinh thần của mình bị thay họ đổi tên, nhà thơ cười buồn, trả lời:
Những người làm thơ thường có một tâm hồn nhạy cảm và thường “thương vay khóc mướn.” Nhưng khi làm bài thơ “Thương Ca 1” tôi đã thật sự khóc, vì lúc đó, chiến tranh lan tràn trên quê hương và tại Pleiku, nơi tôi cư ngụ, những hình ảnh đau thương, tang tóc xảy ra quanh tôi hàng ngày, hàng đêm…Cho nên tôi đã đau nỗi đau của người lính, tôi đã đau nỗi đau của các cụ già, các em thơ. Và tất nhiên tôi đã đau nỗi đau của người vợ mất chồng vì súng đạn…
Những thành phố mà tôi đã sống, đã đi qua: Saigon, Nha Trang, Đà Lạt… và cả Thủ đô nước Mỹ giàu mạnh, cũng chẳng làm cho tôi quên được Pleiku trong những ngày lửa đạn. Do đó, đề tài trong thơ tôi, thường thì không hoát ra khỏi hình ảnh quê hương và người tình lính chiến.
Không biết tự bao giờ, tên bài thơ “Thương Ca 1” của Lê Thị Ý hay là bản nhạc “Tưởng Như Còn Người Yêu” sau khi Phạm Duy phổ nhạc, đã biến mất! Có lẽ mấy lời mở đầu bài thơ tuy thật giản dị, nhưng tràn đầy xúc động, nên khán thính giả, không ai bảo ai, không hề có văn bản chính thức, đã cùng cho bài thơ, bản nhạc, một cái tên mới: “ Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng.”
Dù tên bài thơ, bản nhạc, là gì đi nữa, thì vẫn chỉ nói lên được một phần trong những đau thương ngút ngàn của người dân Việt, người phụ nữ Việt trong cuộc chiến Quốc Cộng suốt hai mươi năm.
Nhà thơ ngừng lại trong vài giây rồi thở dài nói nhỏ: “Bây giờ nhắc lại thì cũng chỉ là những câu chuyện của một thời đã qua.”
Vâng, đúng như câu nói của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mà nhiều người thường nhắc lại: “Nước mất là mất tất cả.” Tất cả đều vô nghĩa.
Ký Thiệt
(Đời Nay ra ngày 24.4.2020)
Người “vợ lính” trong cuộc chiến đã qua