Lịch Sử Một Chiều Là Nguỵ Sử (Phạm Trần)

Lịch Sử Một Chiều Là Nguỵ Sử (Phạm Trần)

Đảng và giới Khoa học-Lịch sử Cộng sản Việt Nam có tham vọng viết lại lịch sử dân tộc từ thời cổ đại đến hiện đại, nhưng liệu họ có dám sòng phẳng và công bằng với 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn không?

Thắc mắc đưa ra dựa trên những bằng chứng không trong sáng và thiếu đầy đủ của Sử liệu đương thời phổ biến liên quan đến những biến cố nổi bật gồm:

– Cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc trong giai đoạn 1953-1960.

– Vụ án Nhân văn Giai Phẩm từ 1955 đến 1958.

– Cuộc chiến xâm lăng miền Nam của đảng CSVN.

– Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế.

– Cuộc chiến Hoàng Sa giữa quân đội VNCH và Trung Cộng năm 1974.

– Đánh Tư sản mại bản ở miền Nam sau năm 1975.

– Cưỡng bách người của Chế độ VNCH đi học tập-lao động.

– Nạn Thuyền nhân chạy thoát Cộng sản

– Cuộc chiến Biên giới Việt-Trung từ 17-02-1979 đến tháng 6 năm 89.

CSVN Che đậy lịch sử

Theo tin chính thức phổ biến ngày 12/02/2019 tại Hà Nội, Bộ Lịch sử Việt Nam, hay còn gọi là Quốc sử sẽ có hơn “300 nhà sử học đầu ngành trong cả nước cùng tham gia biên soạn.”

Báo Việt Nam Express viết: “Thông báo về tiến bộ triển khai bộ quốc sử, PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, đề án này gồm 25 tập thông sử; 5 tập biên niên sự kiện; cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam.

Đề án có sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học, trong đó có chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại; lịch sử Đảng, cách mạng, quân sự, an ninh, văn hóa, khảo cổ học…

Theo ông Cường, bộ quốc sử nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam toàn bộ, toàn diện; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng ý từ năm 2014. Cố GS Phan Huy Lê (tổng chủ biên bộ quốc sử) từng nhấn mạnh phải viết toàn bộ, toàn diện, khách quan. Vì vậy, đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều “khoảng trống lịch sử” vốn được coi là “nhạy cảm” như cải cách ruộng đất, Nhân văn – Giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, nạn thuyền nhân…” (ngày 12/02/2019)

Tội Tày trời trong việc thi hành Cải cách ruộng đất

Nhưng điều được gọi là những “khoảng trống lịch sử” , trong đó có ghi lại nhiều tội ác của đảng CSVN trong chiến dịch Cải cách ruộng đất (CCRĐ), đã không hề được nói tới trong Sách “Việt Nam-Những Sự Kiện Lịch sử (1945-1975)”.

Sử CSVN đã viết gì về Bà Nguyễn Thị Năm
Nạn nhân bị vu oan cáo vạ và bị ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN phản bội tiêu biểu nhất là bà Nguyễn Thị Năm (1906 – 9 tháng 7 năm 1953, quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội). Theo tài liệu công khai, Bà là một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc Cải cách ruộng đất bà bị nông dân địa phương đấu tố là địa chủ gian ác và bị xử bắn.

Bách khoa toàn thư mở viết tiếp: “Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt , Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị.

Khi Cuộc cải cách ruộng đất triển khai vào năm 1953, những hành động yêu nước của Nguyễn Thị Năm bị cố vấn Trung Quốc cho là “giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại” và bà trở thành địa chủ đầu tiên bị đem ra “xử lý”. Bà bị lên án với tội danh “tư sản địa chủ cường hào gian ác”.

Như vậy thì “khoảng trống lịch sử” về trách nhiệm của ông Hồ Chí Minh trong vụ án bà Nguyễn Thị Năm có được viết lại đầy đủ không, hay vẫn tiếp tục giữ thái độ im lặng thất đức đối với vong linh bà Năm như hiện nay, khi nhà nước vẫn không trả lời đơn khiếu nại của gia đình yêu cầu phục hồi danh dự cho bà.

Sử viết gì về cuộc Xâm lăng Miền Nam

Lịch sử cũng cần minh bạch tại sao miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa) đã gửi quân xâm lăng Việt Nam Cộng hòa để gây ra cuộc nội chiến đẫm máu từ 1954 đến 1975? Những người viết sử cũng cần soi mặt vào gương trước khi viết về vai trò của Quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác tham chiến bên cạnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đội quân ngoại quốc này có “chiếm đóng lãnh thổ” Việt Nam không? Và người dân miền Nam có bao giờ là nộ lệ hay bị họ bóc lột như tuyên truyền bịa đặt và vô căn cứ của miền Bắc? Và liệu nhân dân miền Nam có cần ai “giải phóng” không, hay chính nhân dân miền Bắc, trong hoàn cảnh kinh tế-xã hội thời bấy giờ, mới cần được “giải phóng” để được sống làm người tử tế?

Ngoài ra, trong cuộc chiến do miền Bắc chủ đạo này, đã xảy ra vụ thảm sát trên 5,000 người dân vô tội ở mặt trận Huế-Thừa Thiên trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Nhiều nhân chứng xác nhận có bàn tay của lính Cộng sản miền Bắc và du kích địa phương chủ động.

Thế mà trong Sách “Những sự kiện lịch sử 1945-1975” của Viện Sử học chỉ viết có mấy dòng: “Ở Huế ta làm chủ thành phố 25 ngày, thành lập chính quyền cách mạng.”

Riêng hai quần đẩo Hoàng Sa – Trường Sa thì sao

Chính phủ CS miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đã không nói gì về biến cố Hoàng Sa, nơi có 74 Quân nhân VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Cộng.

Sau đó, ngày 14/03/1988 quân Trung Cộng đã đánh chiếm Gạc Ma và 6 bãi, đá trong quần đảo Trường Sa gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, và Châu Viên. Có 64 người lính của CSVN giữ đảo bị tử thương trong cuộc giao tranh với quân Trung Cộng.

Vậy mà Viện Sử học Việt Nam đã không ghi dòng nào trong sách “Những sự kiện lịch sử (1945-1975)”

Liệu những người viết sử của Việt Nam có can đảm giải thích tại sao Đảng và Nhà nước CSVN đã có hành động phản bội xương máu và vong ơn bội nghĩa những người con dân nước Việt đã hy sinh xương máu chống quân xâm lược phương Bắc ở Hoàng sa và Trường Sa?

Họ, những người viết Sử, cũng cần phải công minh ghi lại những thảm cảnh mà đồng bào miền Nam đã phải gánh chịu đối với những quyết định phá hoại nền kinh tế miền Nam của đảng qua chủ trương đánh Tư sản mại bản năm 1977; đốt sách và tiêu diệt Văn hóa nhân bản của miền Nam; bắt đi tù gọi là “cải tạo” hàng trăm ngàn Quân nhân, Công chức và Trí thức miền Nam khiến cho nhiều gia đình tan nát và nhiều người chết trong tù, kể cả những người nổi tiếng như nguyên Thủ tướng Phan Huy Quát, nguyên Phó Thủ tướng Trần Văn Tuyên, Thi sỹ Vũ Hoàng Chương v.v…

Và khi nói đến nạn thuyền nhân thì lịch sử cũng phải nói cho rõ ai đã gây ra thảm cảnh trên Biển Đông cho những người phải bỏ nước ra đi? Sóng to, gió bão và nạn hải tặc đã làm cho nhiều chục ngàn người mất xác trên Biển Đông chỉ xảy ra khi họ phải liều chết để làm thuyền nhân tìm đường tị nạn Cộng sản để được tự do.

Cuối cùng, khi viết về Cuộc chiến biên giới chống Tầu Cộng trong giai đoạn 1979-1989, những Nhà sử học Cộng sản cũng cần minh bạch giữa bạn và thù. Họ không thế lấy cớ “gác lại qúa khứ, hướng tới tương lai” để ngụy biện cho âm mưu “quên đi qúa khứ đau thương” để bảo vệ cho thứ quyền lợi phản quốc của những kẻ Nội Thù lúc nào cũng hô hào “vừa là đồng chí, vừa là anh em” trong tinh thần 16 vàng, 4 tốt: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”; Và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Nhưng nếu mãi tới 40 năm sau mà sách Sử của Việt Nam chỉ đẻ được mấy dòng sơ sài về cuộc chiến đã nhuốm máu ngót 50,000 chiến sỹ và đồng bào, không kể khoảng 4,000 người lính còn bị “mất tích” ở chiến trường Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) thì thất đức biết chừng nào?

Nhưng những người viết Sử và dạy Sử của nhà nước CSVN cũng cần biết rằng, nếu chẳng bao giờ giới trẻ Việt Nam hiểu được tại sao chiến tranh giữa người Việt với nhau đã kết thúc 44 năm mà lòng người vẫn ly tán; hoặc tại sao miền Bắc lại đi xâm lược miền Nam để gây ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn thì lịch sử nào cũng chỉ có mùi Ngụy sử.

+++
Pause
+++
Kính thưa quý vị vừa rồi là Bài Nhận Định và Phân Tích Thời Sự VN.
Chương Trình Bản Tin HTĐ đến đây là chấm dứt
Nam Anh xin cám ơn quý vị luôn đón xem. Mọi liên lạc hay đóng góp ý kiến với Ban Biên Tập SBTN-DC xin email về WashingtonDC@SBTN.TV . Nam Anh Kính chúc quý vị có một buổi tối an vui và hạnh phúc bên người thân và gia đình. Nam Anh kính chào và hẹn gặp lại quý vị vào kỳ tới.