The Nobility of Our Hearts: From Bến Súc to Sài Gòn to Austin

http://www.nobilityofourhearts.com/

Available at: AMAZONBARNES&NOBLE

Lâm Văn Bé: Giới thiệu sách The Nobility of Our Hearts của Louis Tuệ Hovanky (1940-2019) và Kim Thinh Hovanky.


Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Biểu Chánh là hai văn hào tiêu biểu cho nền văn học miền Nam. Nếu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với tác phẩm Lục Vân Tiên đã được dịch ra tiếng Pháp ngay từ khi tác phẩm chưa hoàn tất năm 1864 bởi Gabriel Aubaret và sau đó được các nhà biên khảo Pháp Việt tiếp tục dịch thuật, hiệu đính và phổ biến rộng rãi khắp nước Việt Nam, thì với trường hợp văn hào Hồ Biểu Chánh, mặc dù có một văn nghiệp đồ sộ 131 tác phẩm trong đó có 16 tác phẩm đã được dựng thành phim, được xem là một trong số ít nhà văn có nhiều tác phẩm nhứt và có số độc giả kỷ lục từ một thế kỷ qua, nhưng lại không có một tác phẩm nào được dịch ra ngoại ngữ. Phải chờ đến cuối năm 2018, một tác phẩm đầu tiên viết bằng Anh ngữ bởi Louis Hồ Văn Kỳ-Tuệ và Hồ Kim-Thinh, hai người cháu nội của Cụ Hồ Biểu Chánh mới có cơ hội giới thiệu với độc giả người Việt không đọc được tiếng Việt biết đến nhà văn mà mọi người dân Miền Nam đều có đọc qua ít nhứt một tác phẩm, đó là chưa kể độc giả miền Bắc và miền Trung cũng lần lần thích thú khám phá được cái văn phong độc đáo Nam Kỳ của Cụ. Thực ra, quyển sách mới xuất bản nầy không phải viết về Hồ Biểu Chánh mà viết về song thân của hai tác giả, người cha là ông Hồ Văn Kỳ-Trân, con trai trưởng của Cụ, và người mẹ là CẩmHồng mà qua đó, như nhìn qua cửa sổ, độc giả có thể nhìn lại lịch sử cận đại của Việt Nam qua ba thế hệ, từ Hồ Biểu Chánh đến Hồ Văn Kỳ-Trân và thế hệ tác giả. Người giới thiệu quyển sách có cơ may đọc bản thảo và ghi đôi dòng cảm nhận. Bài viết được tác giả dịch ra Anh ngữ và dùng như Foreword (thông thường xem như Lời nói đầu) của quyển sách. Sau đây là bài giới thiệu.

Sự cao quý của tình gia tộc The Nobility of Family Spirit Cách đây gần 10 năm, tôi có cơ may gặp chị Kim-Thinh, thay mặt cho người anh cả là Hồ Văn Kỳ-Thoại, từ Austin đến Montréal để tham dự buổi nói chuyện của tôi và anh bạn đồng nghiệp Nguyễn Vy Khanh về văn hào Hồ Biểu Chánh do Hội Y Sĩ Hồi Hưu Việt Nam tổ chức. Đề tài của buổi nói chuyện hôm đó là: Hồ Biểu Chánh: nhà văn lớn của Miền Nam. Mùa hè năm nay, tôi lại có cơ may được Kim-Chung, một người chị của Kim-Thinh, trao cho tôi đọc bản thảo quyển hồi ký viết bằng Anh ngữ do Kim-Thinh viết chung với người anh là Kỳ-Tuệ, với lời yêu cầu tôi viết đôi dòng nhận định. Gốc là nhà giáo được đào tạo trong ngành Sử học và Thư Viện học, laị thêm có kiến thức về văn học sử Việt Nam, tôi vô cùng ngưỡng mộ Cụ Hồ Biểu Chánh, ông nội của hai tác giả. Ngoài ra, Cụ còn là bậc tiền bối của tôi đã cùng chung học một trường. Năm 1902, Cụ được học bổng từ Gò Công qua Mỹ Tho nhập học năm thứ nhứt và thứ hai tại trường Collège de Mytho trước khi chuyển về Saigon họàn tất bậc Trung học ở trường Chasseloup Laubat, còn tôi thì đúng nửa thế kỷ sau, tôi cũng được đậu vào học trường nầy, lúc ấy mang tên Collège Le Myre de Vilers rồi Trung Học Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, tôi trở về trường làm giáo sư, hiệu trưởng, rồi quản trị Sở Học Chánh tỉnh Định Tường. Bởi những duyên cơ như vậy, tôi hân hạnh viết đôi dòng cảm tưởng cho hai tác giả Hồ Văn Kỳ-Tuệ và Hồ Kim-Thinh sau khi đọc bản thảo. Thú thật, khi được Kim-Chung cho biết đây là một hồi ký, tôi cảm thấy ái ngại. Ái ngại vì quá nhiều người dùng hồi ký để phô trương cái tôi, thật và không thật, để phỉ báng hạ nhục kẻ khác, mặc dù vẫn biết có nhiều hồi ký chuyển tải nhiều điều đáng học hỏi. Winston Churchill Memoirs hay The Diary of Anne Frank chỉ là vài thí dụ. The Nobility of Our Hearts chắc hẳn không thể nhìn như vậy, bởi qua những nhân vật t của đại gia đình ông Hồ Văn Kỳ-Trân và Bà Cẩm-Hồng, cha mẹ của tác giả, tôi thoáng nhận ra những biến cố lịch sử và những cảnh đời của người dân Việt Nam trong thời kỳ đầy biến động từ 1945 đến 1975. Qua quyển hồi ký, độc giả có dịp nhìn biết được những mốc lịch sử cận đại, từ lúc Pháp trở lại Việt Nam sau khi Nhựt thua trận Thế Chiến II, Việt Minh cướp chính quyền, chiến tranh Việt – Pháp và kết thúc bằng việc phân chia đất nước thành hai miền Nam – Bắc bởi Hiệp Định Genève.

Sau đó, chế độ non trẻ Đệ nhứt cộng hòa của Ông Ngô Đình Diệm có yên ổn được vài năm thì nội tình trở nên bất ổn và chiến tranh do miền Bắc phát động, tiếp đến chế độ quân nhân cầm quyền đệ nhị cộng hòa phải đương đầu với một cuộc chiến tàn phá miền Nam khốc liệt và kết thúc bằng cảnh nước mất nhà tan năm 1975, tiếp theo cảnh chia lìa của ba triệu người tị nạn tản mác khắp bốn phương trời. Trong bối cảnh lịch sử đó, The Nobility of Our Hearts, From Bến Súc to Saigon to Austin là những vùng đất đã đi qua, những dòng đời đã trải qua của đại gia đình tác giả gồm ba thế hệ trong hơn một thế kỷ từ Hồ Biểu Chánh đến Hồ Văn Kỳ Trân và thế hệ thứ ba là anh chị em của tác giả. Điều trước tiên phải nói, ngay đối với người Việt đã sống qua giai đoạn lịch sử này, người đọc cũng phải lắm chăm chú mới theo dõi được hết câu chuyện bởi lẽ hai tác giả đã ghi lại quá nhiều sự việc, tình huống và tình cảm, đặc biệt quá nhiều tên họ đan xen nhau. Điều cũng dễ hiểu, kể chuyện một trăm năm với hàng trăm biến cố và hàng trăm nhân vật và địa danh, hai tác giả phải khéo léo lắm mới cô đọng được trong một tập sách gần 300 trang, chuẩn mực thông thường của ngành xuất bản vì hôm nay, không ai muốn cầm trong tay quyển sách, nhứt là quyển sách có bề dầy.

Phải chăng với ưu tư « trình diện» đầy đủ người và việc cần thiết như một gia phả, hai tác giả đã không sử dụng được trọn vẹn khả năng tả tình hay luận bàn rộng hơn về nhiều biến cố. Độc giả chắc hẳn sẽ thích thú hơn nếu tác giả khai triển thêm chuyện «tình trong như đã, mặt ngoài còn e» của cậu thanh niên Kỳ-Trân và cố thiếu nữ Cẩm-Hồng lúc mới gặp nhau trên tàu Paul Lecat trên đường sang Pháp du học, và những cuộc gặp gở tình cờ hay cố ý sau đó; hay những suy tư của Cẩm-Hổng trong sự chọn lựa giữa một ông dược sĩ giàu và anh giáo sư nghèo. Hôn nhân do tình yêu và hôn nhân xếp đặt là một vấn đề xã hội đương thời mà ông nội hai tác giả, văn hào Hồ Biểu Chánh đã viết trong nhiều tiểu thuyết. Độc giả sẽ bắt gặp rất nhiều đọan văn nhẹ nhàng, mơ màng đại loại như Gradually but silently, a pure love was building in their hearts like a white rose blossoming….(p. 32) hay những lý luận vừa súc tích vừa sâu sắc đại loại như Giving birth to a child and rising a child both have equal value (p.39) hay diễn tả một cách dễ hiểu những ý niệm khó hiểu: Cẩm-Hồng always, and without ostentation, followed the Three Submissions or Tam Tùng, of the traditional Confucian Vietnamese beliefs regarding an ideal woman: her duties to her parents, then to her husband, then to her children…(p.218). Tuy nhiên, có những đoạn tác giả lại dong dài những chi tiết mà thông thường nhiều người đã biết, làm chậm đi chuyện kể thí dụ như những tình tiết lúc ở trại tị nan. Nói như vậy để hiểu rằng công việc của hai tác giả không phải dễ, thật công phu và tế nhị, bởi lẽ cái biên giới giữa chuyện chung và chuyện riêng rất mong manh có khi rất khó nói, hay không nói hết được.

Câu chuyện gia đình của ông Hồ Văn Kỳ-Trân và bà Cẩm-Hồng mà hai người con kể lại, ngoài yếu tố tình thân tộc còn mang sắc thái xã hội và chính trị của nước Việt Nam thời hậu bán thế kỷ XX. Về yếu tố thân tộc, gia đình ông Kỳ-Trân là điển hình của một gia đình đông con, trí thức, theo Tây học nhưng còn gìn giữ căn bản của Nho giáo. Người chồng, người cha là giềng mối của gia đình, nhưng người vợ, người mẹ lại là chủ gia đình, hiểu theo nghĩa quán xuyến chuyện tài chánh,nuôi dạy con. Bà Cẩm-Hồng, tuy cũng đi Pháp du học như ông Kỳ-Trân, tuy phải về nước nửa chừng như ông Kỳ-Trân vì cuộc khủng hoảng kinh tế 1930, tuy cũng học trường Pháp ở Việt Nam như ông Kỳ-Trân, nhưng kể từ khi bà trở thành người vợ và người mẹ, bà đã quên đi thời son trẻ, tận tụy lo cho chồng cho con, có lúc phải giúp chồng chia xẻ chuyện kinh tế gia đình (đi làm ở chợ Cầu Ông Lãnh, học trợ tá dược phòng để đi làm ở phòng thí nghiệm khi ông bị thất nghiệp), hay giúp chồng trong công tác xã hội chính trị khi ông làm Dân biểu Quốc Hội đơn vị Long Xuyên, nơi ông làm Hiệu Trưởng trường Trung học Thoại Ngọc Hầu. Khi di tản qua Mỹ, dù tuổi đời đã cao, bà cũng tự nguyện làm những chiếc bánh cam bỏ mối cho tiệm thực phẩm Á châu, dùng số tiền nhỏ nhoi tìm được để mua quà bánh cho cháu. Bà Cẩm-Hồng là hiện thân của tình vợ chồng tuyệt vời, tình mẹ con tuyệt diệu, của Nuớc mắt chảy xuôi, của Tình mẹ bao la như biển Thái Bình, của Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra và quyển sách là niềm tri ơn của Kim-Thinh và Kỳ-Tuệ, thay mặt cho tất cả 9 anh chị em viết để dâng tặng Mẹ. Ai lại không xúc động khi nghe các con nói về Mẹ:

«…She could not look at her children without seeing her husband in them. She could not look at Thoại arranging his office supplies on his desk without thinking of Thoại’s father’s habit of organization his desk after correcting his student’s assignments before going to bed at midnight. She could not listen to Tường’s jokes without remembering Tường’s father’s sense of humor. She could not look at Tuệ perusing a book without recollecting his father’s love of literary reading…» (p. 234-35). Dĩ nhiên, về phần ông Kỳ-Trân, ông phải phấn đấu trước biết bao nghịch cảnh bằng chịu đựng, trí tuệ và nhân cách trong một đất nước nhiểu nhương để tìm một chỗ đứng cho ông, cho gia đình ông, và nếu được như vậy cũng là nhờ tình yêu thương và sự hổ trợ tinh thần của vợ con. Ông KỳTrân là điển hình của giới trí thức Việt Nam buổi giao thời, hấp thụ văn hóa Pháp mà không nịnh bợ theo Pháp, không theo Nhựt để được vinh thân dù ông đang nghèo khó, không theo Cộng sản như thói thời thượng của một số du học sinh qua Pháp để rồi rơi vào vòng đai của cộng sản Việt Nam. Như một số đông trí thức có tinh thần chống cộng, ông chọn lựa thuyết nhân vị của ông Ngô Đình Nhu và có lúc làm Tổng thơ ký của Phong trào Cách Mạng Quốc Gia thời chế độ Ngô Đình Diệm. Đắc cử dân biểu Quốc Hội hai nhiệm kỳ, ông đóng góp nhiều cho nền dân chủ quốc gia vừa thu hồi độc lập sau 100 năm Pháp thuộc, nhưng người Việt Nam biết đến ông như một nhà giáo nhiều hơn là nhà chính trị. Học trò, giáo chức thương ông, kính trọng ông nhiều hơn giới làm chính trị đố kỵ, thù ghét ông.

Ngày 30 tháng tư 1975, trong nỗi bi phẩn và bất lực trước định mệnh cay nghiệt miền Nam rơi vào tay cộng sản, ông không muốn rời khỏi đất nước và khi ông xuống tàu Hải quân theo con cháu ra khơi cũng chỉ vì tình thương vợ và con cháu. Biết gào thét với ai, ông nuốt hận tự nói: If only President Diem and his brother Nhu had not been murdered, 300 000 ARVN troops, 58 000 US soldiers and one million Vietnamese civilians would not have died in vain, and we would not have had to flee (p.199). Ông nói đúng, nhưng có lẽ ông cần nói thêm, người có tội lớn nhứt đối với tổ quốc Việt Nam là Hồ Chí Minh. Nếu không có Hồ Chí Minh đã dối gạt người dân để cướp chánh quyền phe Quốc Gia (không cộng sản) vào năm 1945, nhuộm đỏ miền Bắc rồi gây ra cảnh nồi da xáo thịt, tàn phá miền Nam, thì gia đình ông và một triệu đồng bào của ông không phải lênh đênh trên biển cả và vài trăm ngàn vùi sâu thân xác dưới đáy biển hay trong rừng sâu núi thẩm. Và nếu hôm nay ông còn trên cõi trần nầy, chắc hẳn ông còn cay đắng thù hận bọn cộng sản hơn vì đất nước xem như đã rơi vào tay Trung Quốc. Nhưng vượt lên trên những nhân vật và biến cố trong chuyện kể, điều nổi bật nhứt gây tác động lớn trong lòng người đọc là những lời di chúc và những bức thơ gởi gấm lời căn dặn của các trưởng tộc cho hậu bối. Trong Lời Di chúc, cụ Hồ Biểu Chánh đã làm người đọc xúc động về sự hi sinh vô bờ bến của cha mẹ ông phải cầm thế quần áo để có 3 đồng bạc cho ông qua MỹTho học (p.58) và khi làm công chức cao cấp cho chánh phủ Pháp (quận trưởng), ông quyết giữ thanh liêm, chính trực đúng đạo làm người. If I work with assiduity, with honesty, without using flattery, and if the French’s treatment of me is just, I will stay. Otherwise, I will leave …(p. 59)

Ông Ba, cha của Cẩm-Hồng cũng có những lời khí khái của một người thuờng dân nói với quan chủ quận Hồ Biểu Chánh về cuộc hôn nhân của con gái mình với con trai của ông quan cũng như lời dạy bảo con gái khi về nhà chồng (p.xii). Cũng tương tự như vậy, ông Lê văn Kiêm, sau nầy làm Hiệu Trưởng trường Trung học Pétrus Ký cũng gởi cho Cẩm-Hồng những lời khuyên như của người cha, vừa dịu dàng, vừa nghiêm khắc về quyết định chọn lựa người chồng Marriage is a onehundred-year contract. Examine your heart and mind carefully before making a decision (p.44). Bằng ấy di sản về đạo làm người, sự giáo huấn và tình thương của cha mẹ, chín anh em mà Hồ văn Kỳ-Thoại được xem như trưởng tộc của thế hệ thứ ba đã thành danh, thành nhân mà tập sách nầy như chứng tích của một đại gia đình đoàn tụ, biết thương yêu và đùm bọc nhau, điều ít thấy trong một xã hội quá nhiều cơn lốc. Trong ý tưởng ấy, tôi mạo muội thêm một cái tựa : Sự cao quý của tình gia tộc(The nobility of Family Spirit)

***

Để kết thúc, tôi cám ơn hai tác giả đã khéo chọn The Nobility of Our Hearts cho cái tựa để tôi có dịp bộc bạch đôi điều. Trong một thế kỷ qua, kể từ ông nội Hồ Biểu Chánh đến con trai Hồ Văn Kỳ-Trân và cháu nội Hồ Văn Kỳ-Thoại, ba thế hệ đã tạo dựng thành một dòng họ. Sở dĩ được như vậy vì tình gia tộc đã gắn bó ông bà, cha mẹ, anh chị em với nhau, với họ hàng thân tộc, đã đào tạo nên những con người có khối óc để phân biệt chánh tà, biết trọng danh dự cá nhân và tập thể, và quan trọng hơn, có trái tim để biết thương yêu, đoàn kết gia tộc và dân tộc. Trong cách suy nghĩ ấy, tôi băn khoăn tự hỏi, kể từ thế hệ thứ tư, khi trái tim con người không được nuôi dưỡng bằng tình yêu vô hình mà được thay thế bằng những con số hữu hình, thì gia đình, thân tộc và quốc gia sẽ đi về đâu ? Quyển sách được khép lại với một câu hỏi và có lẽ đã có nhiều câu trả lời. Lam Van Be Master of Library Science (1978) Head Librarian at Public Library, City of Montreal (1980-2007) Montreal 10-08-2018 Chú ý: Sách được bán trên amazon. Vào trang amazon.com (hay amazon.ca), search với tựa quyển sách The Nobility of Our Hearts (giá tiền từ 15-20$US)

© Tác giả gửi bài đến Ban biên tập.
© Diễn Đàn Người Dân ViệtNam

tribute-to-louis-tue-hovanky-1940-2019

PS: Our big brother’s book:

” The Last Admiral: Memoirs of the Last Surviving South Vietnamese Admiral” (2021) by Thoai Hovanky

LastAdmiralhttps://hovanky.com/