Trump ra đi – Bóng Trump còn đó… (Hoeeus Chân)

Cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một đã ngã ngũ dù ứng cử viên-đương kim Tổng Thống Donald Trump vẫn không chấp nhận (tính đến ngày 14-11). Tuy nhiên, Trump không thể lật đổ được hệ thống pháp luật và Hiến pháp Mỹ. Ông ta phải ra đi. Nước Mỹ sắp bước vào một thời kỳ mới, không có ông Trump ngự trị trong Tòa Bạch Ốc nhưng cái bóng của ông vẫn trùm lên mọi lĩnh vực xã hội, từ đối nội đến đối ngoại.

Trumpism

Những người kế tục ông cần phải hiểu thấu đáo cái gọi là “chủ nghĩa Trump” (Trumpism) để có cách điều hành thích hợp, tiếp tục đẩy mạnh những thành tích mà ông đã làm được, đồng thời tránh những sai lầm của ông trong bốn năm qua. Sở dĩ nói cái bóng của ông Trump vẫn còn vì có hai sự kiện cần chú ý: Một là, đã có ít nhất 70 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu ông Trump, chiếm gần một nửa số cử tri, tức là có một nửa nước Mỹ vẫn tin cậy ông. Hai là, quan trọng hơn, những điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội đưa ông Trump lên vị trí lãnh đạo tối cao của nước Mỹ vẫn còn nguyên đó mà nếu không giải quyết được sẽ làm xuất hiện một Tổng thống Trump khác trong tương lai.

Dù có nhiều đánh giá trái ngược nhau, ông Trump vẫn là một hiện tượng độc đáo của lịch sử hiện đại: Từ một nhà kinh doanh không có thành tích hoạt động chính trị nổi bật thoắt trở thành tổng thống, tổng tư lệnh quân đội của đất nước hùng mạnh nhất thế giới. Sở dĩ như vậy một phần vì ông được coi như là câu trả lời, là giải pháp cho những vấn đề nan giải mà nước Mỹ đối mặt vào năm 2016.

Theo nhà khoa học chính trị Daron Acemoglu, tác giả quyển Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity and Poverty, xã hội Mỹ đã chứng kiến sự bất bình đẳng (inequalities) ngày càng mở rộng giữa tiền vốn (capital) và lao động, giữa những người có học vấn cao và phần còn lại trong xã hội. Kết quả là tiền lương trung bình đã không tăng trong suốt bốn mươi năm qua; đặc biệt tiền lương của những người chưa có bằng đại học đã sụt giảm trầm trọng; thu nhập của họ ngày hôm nay thấp hơn nhiều so với cha anh họ trong thập niên 1970. Tầng lớp trung lưu (middle-class) bị ảnh hưởng nặng nề vì sự bất bình đẳng đó, họ nổi giận và thất vọng và có khuynh hướng ủng hộ những nhà dân túy như ông Donald Trump.

+++

Nhìn lại “hiện tượng Trump”

+++

Nguồn gốc của sự bất bình đẳng trong xã hội Mỹ có liên quan mật thiết với sự phát triển của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo cùng với sự sụt giảm quy mô của sản xuất công nghiệp và trào lưu toàn cầu hóa kinh tế. Công việc làm và thu nhập trong các ngành sản xuất truyền thống như khai khoáng, chế tạo công nghiệp… biến mất dần, thay vào đó là sự bùng nổ các ngành công nghiệp liên quan tới máy tính, mạng viễn thông và dịch vụ. Sự thay đổi cơ cấu công nghiệp, rủi thay, đã mang lại lợi nhuận cho các ông chủ tư bản và các cộng đồng nhập cư hơn là cho người lao động bản địa. Trung Quốc xuất hiện như một “đối thủ” đáng gờm: Vừa làm tràn ngập thị trường Mỹ bằng hàng hóa giá rẻ mà nhà sản xuất Mỹ không cạnh tranh nổi, vừa lấy hết công ăn việc làm của người Mỹ khi hàng loạt các công xưởng chuyển hoạt động sang Trung Quốc.

Bất bình đẳng kinh tế là cội nguồn sinh ra sự bất ổn về văn hóa và chính trị của Mỹ. Những người không được hưởng lợi từ phát triển kinh tế quốc gia đã trở nên bất mãn với hệ thống chính trị và thù địch người nhập cư. Ông Donald Trump nổi lên như một nhà lãnh đạo cứng rắn muốn phá vỡ hệ thống chính trị “trì trệ” ở Washington, DC, dựng hàng rào hạn chế người nhập cư, lôi kéo các cơ sở sản xuất công nghiệp quay trở về Mỹ và chấm dứt tình trạng mất cân bằng trong buôn bán giữa Mỹ và các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Năm 2016, gần một nửa số cử tri Mỹ, phần lớn là giới trung lưu trong các ngành sản xuất truyền thống ở các tiểu bang trung tâm nước Mỹ, bỏ phiếu chọn ông Trump vì những lý do như vậy. Nhưng sau bốn năm, tình hình vẫn chưa được cải thiện mà có vẻ ngày càng tệ hơn. Đã hình thành một thứ chủ nghĩa Trump (Trumpism) coi trọng tinh thần dân tộc, bảo thủ, phá vỡ các định chế, xa rời giới tinh hoa chính trị và khoa học, muốn lập lại một nước Mỹ vĩ đại… như ngày xưa!

Tổng thống Trump đã xóa bỏ hoặc điều chỉnh các hiệp định thương mại đa phương, phát động thương chiến với Trung Quốc, cắt giảm thuế lợi tức doanh nghiệp, hủy bỏ và nới lỏng các quy định hành chính từ thời Obama, siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới để chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Những quyết sách đó có phần thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, nhưng không thu hẹp được bất bình đẳng xã hội, thậm chí lợi bất cập hại.

Thâm hụt thương mại, đặc biệt với Trung Quốc, vẫn tháng sau cao hơn tháng trước. Giảm thuế thì doanh nghiệp được lợi nhưng đồng thuế giảm được lại đổ vào thị trường chứng khoán thay vì mở mang cơ xưởng và hầu như chẳng có mấy công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất về lại Mỹ để có thêm công ăn việc làm cho đồng bào. Khoảng cách giàu nghèo chẳng những không thu hẹp được mà có nguy cơ giãn rộng thêm. Thế rồi bùng nổ đại dịch virus Corona, mọi sinh hoạt đảo lộn, người trung lưu ở Mỹ càng khó khăn… Nhưng ngọn lửa ước mơ một cuộc sống khá giả hơn, ổn định hơn và bình đẳng hơn vẫn chưa bao giờ tắt trong lòng người dân Mỹ vốn lạc quan và luôn nỗ lực phấn đấu.

+++

Gánh nặng của Joe Biden

++++

Ông Joe Biden, cựu phó tổng thống, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, đưa ra cam kết sẽ thực hiện một nền kinh tế bình đẳng hơn. “Chính sách thương mại của chúng ta phải bắt đầu từ nội địa, bằng việc củng cố tài sản lớn nhất của chúng ta là tầng lớp trung lưu, bảo đảm mọi người đều chia sẻ thành công của đất nước mà không phân biệt sắc tộc, nam nữ, địa bàn cư trú, tôn giáo, xu hướng tính dục hoặc tình trạng khuyết tật,” ông Biden viết trên Foreign Affairs số tháng 3-4/2020.

Ông sẽ làm gì? “Sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng – viễn thông băng rộng, xa lộ, đường sắt, mạng lưới điện, các thành phố thông minh – và vào giáo dục… làm cho mọi người Mỹ đều tiếp cận được chăm sóc sức khỏe có phẩm chất tốt và vừa túi tiền, tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ và dẫn đầu cuộc cách mạng kinh tế sạch để tạo ra hàng chục triệu việc làm tốt và mới ở nước Mỹ” – ông viết tiếp. Thật là một giấc mơ đẹp. Tăng lương tối thiểu, cải cách hệ thống thuế khóa và củng cố mạng lưới an sinh xã hội có thể tạo ra một xã hội công bằng hơn, nhưng chưa đủ. Vấn đề là làm thế nào nước Mỹ tạo ra được nhiều việc làm tốt – lương cao – và ổn định cho mọi người, nhất là những người lao động chưa có bằng đại học thì chưa có giải pháp nào cả. Ông Trump đã cố thúc đẩy việc khôi phục các ngành công nghiệp truyền thống như khai mỏ, sản xuất hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe ngay tại Mỹ nhưng không thành công vì cơ chế phân công lao động toàn cầu bây giờ đã khác xa mấy chục năm về trước.

Ông Biden lại muốn đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ mới “năng lượng sạch, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, xe lửa tốc độ cao” với hy vọng “tạo ra hàng chục triệu việc làm tốt và mới” như ông nói trong bài báo dẫn trên. Ông cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh dân chủ để ngăn chặn ảnh hưởng đang lên của chế độ độc tài Trung Quốc, duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ của tương lai và cũng để bảo vệ nền kinh tế và công ăn việc làm của người Mỹ. Chính sách đúng có thể bắt đầu giải quyết được tình trạng bất bình đẳng nhưng chính sách đúng sẽ không dễ thực hiện nếu không được sự đồng thuận của người dân.

Một đặc điểm của xã hội hiện nay là sau nhiều thất vọng và cuồng nộ, người ta đã không còn tin vào giới chính trị gia, không tin vào các chính sách được các nhà chuyên môn hoạch định. Người dân không còn tin vào các định chế dân chủ của Mỹ, kể cả hệ thống tư pháp, Quốc Hội, truyền thông độc lập, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed), các cơ quan công lực. Sự mất niềm tin này đã có từ lâu, ông Trump chỉ là người đẩy nó lên mức trầm trọng mới khi ông bài bác các kết luận khoa học về biến đổi khí hậu toàn cầu, và coi thường cả sự nguy hiểm của đại dịch virus Corona. Nếu không hiểu biết sâu sắc về mối hoài nghi đó của xã hội, chính quyền mới của Mỹ sẽ khó mà thuyết phục được hàng trăm triệu cử tri rằng những chính sách mới do các nhà chuyên môn hoạch định ra sẽ giúp cho đời sống của họ tốt đẹp hơn, đảo ngược nhiều thập niên suy thoái và trì trệ. Vượt qua nỗi hoài nghi và bất mãn đã đưa ông Trump lên đỉnh cao không phải là chuyện một sớm một chiều.

Cái bóng của ông Trump vẫn tồn tại trong tâm lý của gần một nửa dân số Mỹ và sẽ chi phối hoạt động của đảng Cộng Hòa. Từ khi làm tổng thống, ông Trump đã cải biến đảng Cộng Hòa đến mức nó gần như là một đảng Trumpist, toàn tâm toàn ý đi theo nghị trình của ông Trump cho dù những điều đó trái ngược với một số đường lối căn bản của đảng GOP (Great Old Party). Với đa số sít sao trong Thượng Viện, đảng Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của chính khách cáo già Mitch McConnell (Kentucky), lãnh đạo khối đa số, có thể duy trì một chế độ Donald Trump không có Trump và gây không ít trở ngại cho chính quyền Joe Biden trong việc ban hành và thực thi nghị trình kinh tế của mình.

Gánh nặng đang đặt lên vai những nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ. Cầu chúc cho họ thành công trong sự nghiệp đoàn kết quốc dân để đưa nước Mỹ sang một giai đoạn mới, thoát ra khỏi cái bóng của Trump lẫn Trumpism cùng những được và mất của nó.